Các địa phương đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phát triển kinh tế 

(Chinhphu.vn) - Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã giúp nhiều sản phẩm nông nghiệp nâng cao giá trị. Vì vậy, các địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh.

 

Sơ chế dừa tươi đóng gói xuất khẩu

Ứng dụng KH&CN đã giúp nhiều sản phẩm dừa của Bến Tre tăng giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Dừa Bến Tre từng bước nâng tầm thế giới.

Những năm trước đây, công nghệ và thiết bị ngành công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre còn thô sơ, sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, trình độ chỉ ở mức thấp đến trung bình. Các sản phẩm chế biến từ dừa có giá trị thấp, gặp khó khăn khi gia nhập vào thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, nhờ áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã có bước tiến bộ vượt bậc, đưa ngành này nhanh chóng hội nhập với ngành chế biến dừa thế giới. Công nghệ chế biến đổi mới đã giúp đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 182 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động đa dạng. Một số ngành chính như chế biến vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa chiếm 28,52% tổng số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động.

Theo Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực. Việc nhập nội nguồn gen cây dừa và bình tuyển cây đầu dòng đã cung cấp nhanh số lượng lớn các cây dừa giống đủ tiêu chuẩn, cây giống đã thích nghi tự nhiên với các điều kiện sinh thái.

Trong ứng dụng và đổi mới thiết bị công nghệ, các ngành chức năng Bến Tre đã tổ chức nhân nhanh các giống dừa có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh, chống chịu với các điều kiện sinh thái bất lợi.

Đối với các vùng trồng dừa và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ dừa, được hỗ trợ kinh phí xây dựng, áp dụng và chứng nhận lần đầu tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP.

* Một trong các khâu đột phá được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng KH&CN vào khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây là một trong những bước đi quan trọng để thực hiện khâu đột phá này.

Tiền Giang có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, trọng điểm là cây ăn trái. Do vậy, việc lựa chọn chiến lược đầu tư và thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây là hướng đi phù hợp và được triển khai thực hiện nhiều năm qua. Đến nay, Tiền Giang có khoảng 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, với công suất trên 47.000 tấn/năm.

Để tận dụng và phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có của tỉnh và gắn tái cấu trúc công nghiệp Tiền Giang với tái cơ cấu nông nghiệp, trong thời gian tới Tiền Giang tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp công nghiệp chế biến trái cây đầu tư vào tỉnh.

Về lâu dài, tỉnh Tiền Giang sẽ thực hiện liên kết để hình thành vùng nguyên liệu lớn vừa phát huy hiệu quả của khoa học công nghệ, vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu với số lượng lớn, đáp ứng cho công nghiệp chế biến; hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn nguyên liệu đầu vào mang tính ổn định và bền vững cho công nghiệp chế biến…

* Tỉnh Trà Vinh đã quyết định dành 150 đến 200 tỷ đồng từ ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN giai đoạn 2021-2025 để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất và chế biến, nhất là hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh.

Theo đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN sẽ được tập trung cho việc lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng một số sản phẩm chủ lực để nâng cao hiệu quả kinh tế bền vững.

Việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được liên kết chặt chẽ với tiêu thụ sản phẩm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác trong nước.

Cùng với đó, tỉnh Trà Vinh phấn đấu đến năm 2025, triển khai thực hiện từ 90-120 đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN; xây dựng 20-40 mô hình sản xuất ứng dụng KH&CN; hỗ trợ khoảng 20 doanh nghiệp trong tỉnh đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực và chất lượng hàng hóa đủ sức cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu.

Minh Đức

156 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1188
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1188
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87074888