|
Ảnh minh họa |
Mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của thành phố Đà Nẵng là tập trung tăng trưởng sản xuất thông qua cải thiện năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Sản xuất nông nghiệp hướng đến sản phẩm chủ lực, đặc trưng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp phục vụ đô thị, du lịch là hướng đi mà thành phố đang lựa chọn. Với đặc thù của đô thị, quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, thành phố đã định hướng phân vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả gắn với xây dựng sản phẩm chủ lực, đặc trưng dựa trên giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh thái.
Đến nay, thành phố ưu tiên triển khai quy hoạch các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại huyện Hòa Vang hiện đã có 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang xúc tiến các thủ tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư và tiếp tục quy hoạch, mở rộng phát triển các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với quy hoạch chung của thành phố.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, Đà Nẵng đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhờ chủ động trong chuyển đổi cơ cấu giống lúa trung ngắn ngày, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp (IPM), chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (ICM) nên năng suất lúa đạt khá cao, tăng dần qua các năm, đạt 58,29 tạ/ha năm 2015 lên đạt 61,6 tạ/ha vào năm 2020. Toàn thành phố thực hiện cải tạo 46,6ha kinh tế vườn với các loại cây trồng: mít, bơ, chanh giây, vú sữa, thanh long ruột đỏ… gắn với mô hình du lịch sinh thái nhà vườn.
Trong những năm tiếp theo, thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều đề án, phương án đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; xây dựng các mô hình sản xuất mới, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp xây dựng vườn mẫu, vườn kinh tế… góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố
Là 1 trong 3 tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã tập trung xây dựng, hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất, chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa ở toàn bộ các xã, thị trấn. Phong trào xây dựng cánh đồng lớn được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% khâu làm đất, trên 80% khâu thu hoạch được cơ giới hóa; xây dựng, phát triển nhiều cánh đồng lớn cùng nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại; năng suất lúa và năng suất các loại cây trồng đều đạt ở mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh trong khu vực, góp phần cải thiện đáng kể đời sống nhân dân.
Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Thái Bình xác định quan điểm, thu hút và phát triển doanh nghiệp là đột phá cho cơ cấu lại ngành và giải quyết lao động nông thôn, lấy doanh nghiệp là đầu tàu trong phát triển chuỗi giá trị. Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản, đóng mới tàu, mua sắm máy nông nghiệp, xây dựng cơ sở chế biến nông sản, phát triển sản xuất cây vụ đông. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp khuyến khích đầu tư của tỉnh đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, được hưởng ưu đãi về đất đai như miễn tiền thuê đất từ 11 - 15 năm, được thuê đất với mức giá thấp nhất của loại đất tương ứng.
Thời gian tới, Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vùng, khu, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới tạo động lực về lợi ích để thúc đẩy khoa học công nghệ gắn bó với sản xuất, kinh doanh, hướng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm.
Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến phát triển kinh tế địa phương theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị và là giải pháp nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Thái Nguyên ngày càng quan tâm, đầu tư từng bước hình thành nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, lợi thế gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách, đề án để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án phát triển theo chuỗi giá trị, các chủ thể là các HTX tham gia phát triển sản phẩm. Hỗ trợ thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng dữ liệu sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc… Qua đó, chương trình đã tạo những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt quan tâm đến phát triển tổ chức sản xuất, hỗ trợ các dự án phát triển theo chuỗi liên kết. Trong đó, tập trung phát triển các loại hình siêu thị, cửa hàng phân phối sản phẩm, các tuyến liên tỉnh kết nối giao thương cung - cầu để tiêu thụ sản phẩm Thái Nguyên trên thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm gắn liền với du lịch, hội chợ, triển lãm. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch và gắn kết với chuỗi sản phẩm OCOP là giải pháp nhằm tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm.
Minh Đức