Các địa phương cần thống nhất trong sản xuất và tiêu thụ thủy sản 

(Chinhphu.vn) - Thông tin được nêu tại Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn về sản xuất, tiêu thụ thủy sản trong bối cảnh dịch COVID-19 với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và người tham gia chuỗi thủy sản được Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 4/9.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Bộ NN&PTNT- Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, hiện doanh nghiệp toàn ngành thuỷ sản đối mặt 4 áp lực cùng lúc.

Vấn đề phức tạp nhất hiện doanh nghiệp đang phải đối diện là thiếu lao động. Ông Nam thông tin: “Hiện nay, các nhà máy sản xuất tập trung ít cũng có vài trăm, nhiều thì có vài nghìn công nhân. Doanh nghiệp lớn có khoảng 5.000-7.000 công nhân. Khi nguồn vaccine không đầy đủ, 70% nhà máy đã phải ngừng sản xuất để đáp ứng mục tiêu ưu tiên chống dịch. Chỉ 30% nhà máy duy trì được hoạt động sản xuất nhờ áp dụng “3 tại chỗ”. Trong số 30% nhà máy này cũng chỉ huy động được khoảng 20-40% số công nhân. Điều này khiến nhà máy phải giảm công suất, dẫn tới doanh nghiệp không đủ lượng hàng cung cấp cho khách theo hợp đồng đã ký; đồng thời cũng không tiến hành thu mua được nguyên liệu từ khai thác cũng như nuôi trồng”.

Khó khăn thứ hai là khách hàng nhập khẩu thuỷ sản đang liên tục có điều chỉnh cắt giảm hàng hoặc ép giá vì tổng chi phí của khách hàng đang tăng lên do dịch, trong khi đó nguồn cung của chúng ta cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề do tình hình dịch bệnh và áp dụng các biện pháp giãn cách hiện nay ở các địa phương, đặc biệt là các địa phương phía nam.

Khó khăn thứ ba được Phó Tổng Thư ký VASEP đề cập đến là nguyên phụ liệu. Ở khâu chế biến, nhiều nguyên phụ liệu như bao bì, nilon, máy hút chân không… các nhà máy đều cần nguồn cung cấp từ TPHCM. Hạn chế này không được tháo gỡ sẽ khiến doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất lâu.

Khó khăn cuối cùng ông Nam chia sẻ là khi công suất giảm, người lao động giảm, thiếu nguyên phụ liệu thì tổng chi phí của doanh nghiệp lại tăng lên. “Người lao động nghỉ việc nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương nghỉ việc. Với lao động tham gia ‘3 tại chỗ’, doanh nghiệp phải trả chi phí lớn hơn 50% thông thường bởi ngoài lương còn có tiền phụ thêm, chi phí lo ăn, lo điều kiện vật chất… Chi phí sản xuất trên đơn vị sản phẩm hiện rất lớn”, ông Nam nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ cấp thiết

Trong nội dung các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp và các hiệp hội tại hội nghị có nhiều vấn đề liên quan đến thực tế phối hợp của các địa phương vẫn còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Điển hình, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung (có văn phòng tại Bình Thuận và các chi nhánh tại TPHCM, Ninh Thuận, Long An, Bạc Liêu) cho biết, ông đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng trong quá trình đi xử lý công việc từ tỉnh nọ sang tỉnh kia về vẫn phải cách ly như bình thường.

"Những người đã được tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 mà về vẫn phải cách ly thì việc được tiêm vaccine còn ý nghĩa gì nữa? Theo tôi, cách ứng xử với việc đã được tiêm vaccine như vậy là chưa đúng", ông Hoàng Anh nói. Từ thực tế đó, ông Hoàng Anh kiến nghị, các địa phương nên cho những người đã được tiêm vaccine sản xuất bình thường với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, có như vậy mới không làm chuỗi sản xuất ngành thủy sản không bị đứt gãy.

Cũng tại hội nghị, nhiều đại diện các Sở NN&PTNT các địa phương đề xuất cần có chính sách hỗ trợ về giảm thuế, tiền tiêu thụ điện, cũng như khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động trong chuỗi thủy sản bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Cùng với đó, những chính sách về cung cấp thêm tín dụng với mức lãi xuất hợp lý cũng rất cấp thiết để cho người dân và doanh nghiệp tái đầu tư phục hồi sản xuất. Đồng thời ưu tiên bổ sung tiêm vacine cho lao động tham gia trong chuỗi và có cơ chế phù hợp cho sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đề nghị: “Cần giảm tiền điện do doanh nghiệp. Như ở Bến Tre, diện tích nuôi tôm công nghệ cao khoảng 1.950 ha, sử dụng điện rất lớn. Ở đây là giảm cho hộ nuôi, có thể thời gian 6 tháng từ nay đến tháng 3 năm sau, đề xuất giảm từ 15% đến 20%. Tôi cũng đề nghị chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến về lãi suất ngân hàng với điều kiện các doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết với vùng nuôi để bảo đảm nguồn nguyên liệu cũng như tạo điều kiện về tiêu thụ cho người nuôi”.

Phải giải quyết khâu tiêu thụ trước mắt

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, theo tính toán của ngành nông nghiệp, để bảo đảm mục tiêu trong các tháng còn lại của năm 2021 với sản lượng 2,9 triệu tấn thủy sản hướng đến mục tiêu 8,6 triệu tấn thủy sản của cả năm, quan trọng nhất hiện nay phải giải quyết được khâu tiêu thụ, bảo đảm nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, chiếm 35,1% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp, thủy sản có vai trò rất quan trọng bởi ngoài ngành chăn nuôi thì đây là ngành còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Nếu như không chuẩn bị tốt về vật tư đầu vào như con giống, nguồn lao động, hỗ trợ tín dụng thì sẽ không bảo đảm điều kiện sản xuất vụ mới do dịch COVID-19 dự báo còn kéo dài. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu bức tranh tổng thể về sản xuất thuỷ sản Việt Nam: “Qua 8 tháng đầu năm sản lượng thủy sản đạt 5,7 triệu tấn. Như vậy bình quân 1 tháng là 743.000 tấn, để đáp ứng mục tiêu thì từ nay đến cuối năm phải đạt 723.000 tấn/tháng. Vấn đề đặt ra phải sớm giải quyết tồn đọng dưới ao nuôi, nhưng lại có khó khăn mâu thuẫn là nếu không giải quyết được khâu tiêu thụ và xuất khẩu thì lại tồn đọng ở kho, khi đó sẽ khó khăn không giải quyết được thủy sản ở các ao nuôi”.

Cũng tại hội nghị, đại diện các hiệp hội ngành hàng đề nghị Bộ Giao thông vận tải giám sát thực hiện các chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc vận chuyển sản phẩm thủy sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của tất cả các địa phương, doanh nghiệp để đưa ra các nhóm vấn đề cần tháo gỡ ngay để trình Chính phủ vào thứ hai (6/9) tới đây.

Đỗ Hương

154 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 359
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 359
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88615159