Pháo hoa đêm giao thừa tại bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2024, Hà Nội dự kiến có 31 điểm bắn pháo hoa, trong đó có: 4 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và hỏa thuật; 3 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp tầm thấp 24 trận địa pháo hoa tầm thấp.
So với Tết năm ngoái, số điểm bắn tầm cao tăng hai điểm (từ 7 lên 9), mỗi điểm sẽ bắn 600 quả. 22 điểm bắn tầm thấp có 120 giàn ở mỗi vị trí. Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chuẩn bị lực lượng và tổ chức tập huấn để đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm bắn pháo.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán tại tất cả 30 quận huyện.
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến bắn pháo hoa giao thừa Tết Nguyên đán ở 6 điểm, trong đó một vị trí mới tại huyện Bình Chánh. Một điểm bắn tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức). 5 điểm tầm thấp tại: Đền tưởng niệm di tích Bến Nọc (thành phố Thủ Đức), Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), Thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), Khu đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi), Khu tưởng niệm liệt sĩ Mậu Thân 1968 tại huyện Bình Chánh.
Thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa tại ba điểm, gồm trên cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi (giáp ranh giữa các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn); trước Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu và trước Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang.
Pháo hoa sẽ được bắn theo phương pháp trình diễn pháo hoa nghệ thuật (không nhạc nền); sử dụng hệ thống bắn FireOne và sử dụng các loại pháo hoa nổ tầm cao, tầm thấp pháo hiệu ứng đặc biệt.
Theo kế hoạch, tại Hà Nam chương trình bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán năm 2024 sẽ được diễn ra trong vòng 15 phút tại tầng 10 Khách sạn Hòa Bình, đường Trần Phú, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý. ố lượng pháo là 150 giàn/điểm bắn với 23 chủng loại pháo hoa tầm thấp, do Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nhập khẩu.
Thành phố Hải Phòng tổ chức bắn pháo hoa đêm Giao thừa Tết Nguyên đán 2024 tại 12 điểm: Bờ hồ Tam Bạc và sân thượng Nhà Triển lãm thành phố; Bờ hồ An Biên; Khu công nghiệp VSIP, huyện Thủy Nguyên; Khu di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo; Sân vận động huyện Tiên Lãng; Sân vận động huyện An Dương; Khu cầu Cảng Cát Bà, huyện Cát Hải; Trung tâm hành chính quận Dương Kinh; Trung tâm hành chính huyện Kiến Thụy; Bờ hồ Hạnh phúc, quận Kiến An; Trung tâm hành chính quận Đồ Sơn; Sân vận động huyện An Lão.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đón giao thừa tại 9 điểm bắn vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, gồm: Khu vực công viên Bãi Trước và Bãi Sau (thành phố Vũng Tàu); Quảng trường công viên Bà Rịa (thành phố Bà Rịa); Khu vực Ba Son (thị xã Phú Mỹ); Bờ Hồ trung tâm Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc); Cung đường Trần Hưng Đạo nối dài (huyện Châu Đức); Cầu tàu 914 (huyện Côn Đảo); 2 địa điểm tại huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ.
Tại Cà Mau, chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa đón giao thừa mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra từ lúc 21 giờ ngày 9/2/2024 (nhằm ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão). Nơi diễn ra bắn pháo hoa là quảng trường trên đường Trần Hưng Đạo, Phường 5, TP. Cà Mau.
Ngoài ra, theo kế hoạch, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đón Tết Nguyên đán như: Hội báo Xuân gắn với trưng bày sách, triển lãm tranh ảnh thời sự nghệ thuật; chợ hoa, cây kiểng, chợ dưa hấu, hội thi bánh dân gian, tổ chức không gian ẩm thực món ngon ngày tết, không gian nghệ thuật Cà Mau; tổ chức chuỗi sự kiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao.
Phương Liên