Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đối tác nước ngoài bên lề Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng DN FDI và Diễn đàn DN Việt Nam thường niên, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Việt Nam đi đúng hướng nhưng còn nhiều thách thức
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho hay: Một trong những mục tiêu cốt lõi của EuroCham là ủng hộ các chiến lược tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững. Các lĩnh vực chính được các doanh nghiệp châu Âu quan tâm, bao gồm cải thiện quản lý chất thải, nâng cao nhận thức cộng đồng và đổi mới chống ô nhiễm nhựa.
"Để thúc đẩy điều này, chúng tôi đề xuất các sáng kiến như ưu đãi thuế có mục tiêu cho các hoạt động kinh doanh xanh và sử dụng nhựa tái chế trong xây dựng đường để giảm tác động đến môi trường và hỗ trợ các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn", đại diện EuroCham nói.
Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam cũng sẽ gắn chặt với mục tiêu này. Ông Gabor nhận xét quá trình này thời gian qua đã bị chậm lại do một số vấn đề như thủ tục lựa chọn nhà đầu tư không rõ ràng, hợp đồng mua bán điện chưa được quy định rõ, truyền tải chậm, giá cả không cạnh tranh và thiếu vốn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để nâng cao hiệu quả, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió ngoài khơi và thu hút đầu tư tư nhân để hiện đại hóa lưới điện.
Một lĩnh vực khác mà EuroCham quan tâm đó là môi trường và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Ông Gabor cho rằng, hiện tại, phí áp dụng cho các nhà sản xuất trong khuôn khổ này đã vượt quá khả năng của cơ sở hạ tầng tái chế. Điều này có thể dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn và để giải quyết vấn đề này cần một chiến lược thận trọng để tránh gây khó cho các doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
Ngoài ra, ông Gabor Fluit cũng đưa ra một số đề xuất liên quan đến việc sửa đổi luật dược phẩm vào năm 2024, nơi nhiều doanh nghiệp châu Âu cảm thấy nhiều thách thức trong làm việc với các đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong vấn đề tài chính, EuroCham kỳ vọng vào việc Việt Nam triển khai hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với tiêu chuẩn thuế toàn cầu và chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Còn ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ mục tiêu tăng trưởng trung tính carbon mà Chính phủ Việt Nam đề ra vào năm 2050. Điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đó là hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng thực tế mà không cản trở sự tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp.
JCCI khuyến nghị Việt Nam có thể xem xét việc sửa đổi luật đầu tư và các luật có liên quan khác để nâng cao năng lực các dự án cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng cần xây dựng các hướng dẫn thực hiện chi tiết để mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc định hướng quá trình phát triển. Ngoài ra, JCCI nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chuỗi cung ứng và cải cách thủ tục hành chính...
Việt Nam cũng cần tăng cường năng lực cho các công ty địa phương, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và nguồn nhân lực công nghiệp...
Ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) hoan nghênh sự cam kết của Việt Nam cho mục tiêu phát thải ròng bằng không và phát triển bền vững cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện chương trình nghị sự này. Khu vực tư nhân Vương quốc Anh sẵn sàng đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, tài chính, dược phẩm và hàng tiêu dùng.
Phó Chủ tịch BritCham đánh giá, việc thông qua Quy hoạch Phát triển Điện VIII gần đây cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc khử carbon. Để phù hợp với mục tiêu chung về tính bền vững, đại diện BritCham khuyến nghị triển khai nhanh chóng Quy hoạch Phát triển Điện VIII, đặc biệt liên quan đến phát triển LNG, năng lượng mặt trời và gió cùng với việc xây dựng các quy định pháp lý cho phép việc thực hiện, ví dụ như các quy định liên quan đến Hợp đồng mua bán điện trực tiếp ("DPPA").
Bộ ngành phối hợp thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương ghi nhận những ý kiến đóng góp và khẳng định sẽ xem xét tích hợp trong công tác xây dựng phát luật của Bộ này.
Về năng lượng xanh, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, trong các chính sách, Bộ Công thương có thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh, sạch, bền vững, bảo đảm phù hợp các quy hoạch năng lượng quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trao đổi tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, dự kiến trong tuần này, Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng thực hiện các giải pháp công nghệ phát triển hài hòa năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tăng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, đặc biệt phát triển các nguồn nhiên liệu mới như hydro, điện gió ngoài khơi, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, cơ chế mua bán điện trực tiếp...
Đáng chú ý, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng khẳng định, ngành Công thương đang hoàn thiện các điều kiện cần thiết để phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh; thúc đẩy triển khai chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Liên quan đến cung ứng, điều hành điện trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/2/2024 về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới. Bộ Công thương đang hết sức nỗ lực cùng ngành điện cố gắng, nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Đến nay, có thể cam kết việc thiếu điện không xảy ra trong năm trong 2024 và các năm tiếp theo, đồng thời cam kết đảm bảo tính ổn định và chất lượng điện", lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên trao đổi tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Bộ TN&MT đã đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là năm 2024, Ngân hàng thế giới (WB) đã chi trả 51,5 triệu USD mua chứng chỉ các bon. Đây là tín hiệu vui trong việc khuyến khích bảo vệ phát triển rừng tăng độ che phủ, với con số trên 100 DN đã được cấp chứng chỉ cácbon, Việt Nam đã trở thành 1 trong 5 nước tạo chứng chỉ các bon trên thế giới.
Sắp tới, Bộ TN&MT sẽ tham gia ban hành định mức tái chế hợp lý hợp lệ của nhà sản xuất mở rộng, lựa chọn công bố trên 20 DN đủ điều kiện tái chế trong các lĩnh vực về chất thải nguy hại, rác thải nhựa và các rác thải thông thường.
Về cải cách thủ tục hành chính, lãnh đạo Bộ TN&MT khẳng định bám sát thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, cắt giảm thủ tục.
Trong tháng 2/2024, Chính phủ đã Nghị định 12 sửa Nghị định 44 về quy định khung giá đất... Bộ TN&MT đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, dự kiến trong tháng 3 ban hành Nghị định về lấn biển. Đây là Nghị định quan trọng tạo điều kiện hoàn thiện pháp lý cho nhiều dự án, đặc biệt các dự án của DN trong đó có DN FDI có sử dụng mặt biển và đất ven biển.
Trong tháng 4, Bộ TN&MT cũng đang sửa đổi trình dự thảo Nghị định 08 về hướng dẫn luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp 50% thủ tục của Bộ cho địa phương.
Bộ TN&MT cũng đang triển khai nhiệm vụ quan trọng Thủ tướng đang giao xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai vừa được Quốc hội ban hành và luật Tài nguyên nước, dự kiến có các văn bản trước thời hạn luật có hiệu lực.
"Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, các DN nước ngoài, Việt Nam sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và trả chi phí theo khối lượng rác thải, đây là mục tiêu tham vọng mà Bộ TN&MT đang có quyết tâm cao, để các chủ trương, mục tiêu từng bước đi vào cuộc sống", Thứ trưởng Trần Quý Kiên khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) khẳng định: "Xanh" và "Số" là cặp song sinh, muốn có xanh phải số, muốn có số phải xanh. Vì công nghệ chuyển đôi số, cũng như phát triển xanh là chủ trương của Chính phủ Việt Nam. Còn Bộ TTTT có định hướng phát triển trung tâm dữ liệu xanh, mạng 5G xanh.
Định hướng hạ tầng số ở Việt Nam của Bộ TTTT là dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này được ưu tiên đầu tư đi trước một bước thúc đẩy chuyển đổi số.
Vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều luật liên quan thúc đẩy chuyển đổi số như: Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghiệp công nghệ số. Kèm theo đó là các chiến lược quốc gia về kinh tế số, Chính phủ số, công nghiệp bán dẫn.
Năm 2024 là năm thương mại hóa 5G trên toàn quốc của Việt Nam, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn, phát triển hạ tầng tính toán, bảo đảm hạ tầng để phát triển kinh tế số với mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP năm 2030.
Năm 2024, năm đầu tiên chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn, biến Việt Nam thành trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào công nghiệp bán dẫn, phát triển DN bán dẫn nội địa. Việt Nam có chương trình lớn, đón chào các DN FDI về công nghiệp bán dẫn. Việt Nam sẽ là một Hub (đầu mối kết nối toàn cầu), giải pháp đột phá là kết nối đào tạo Đại học và DN công nghệ, để phát triển hệ sinh thái đầy đủ về công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Thủ tướng đã chỉ đạo phát triển kinh tế số dựa trên 4 trụ cột: Phát triển công nghiệp công nghệ số, phát triển kinh tế số, dữ liệu số và quản trị số.
"Năm 2024 là năm phổ cập hạ tầng số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, Bộ TTTT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN FDI tham gia vào chuyển đổi xanh của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ số, nhất là công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, các trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng tính toán, trí tuệ nhân tạo, phát triển các ứng dụng số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Huy Thắng