Các chỉ số kinh tế - xã hội tháng 1/2023 duy trì ổn định 

(ĐCSVN) - Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2023 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/1, tình hình đời sống dân cư tiếp tục được cải thiện, lượng khách quốc tế đến nước ta tăng mạnh do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại…

 

 Infographic sản xuất nông nghiêp tháng 1/2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/01/2023, cả nước gieo cấy được 1.882,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,9% cùng kỳ 2022. Trong khi đó, tính đến trung tuần tháng 1, cả nước gieo trồng được 138,8 nghìn ha ngô, 29,3 nghìn ha khoai lang, 3,1 nghìn ha đậu tương, 313,4 nghìn ha rau, đậu… Đáng chú ý, chăn nuôi trong tháng phát triển ổn định. Ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 01/2023 tăng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số bò tăng 3%; tổng số trâu giảm 1,7%; tổng số gia cầm tăng 3,4%. Tính đến ngày 25/01/2023, cả nước không còn dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng và dịch viêm da nổi cục; dịch cúm gia cầm chỉ còn ở Quảng Ninh; dịch tả lợn châu Phi còn ở 10 địa phương chưa qua 21 ngày.

Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 01/2023 ước đạt 8,1 nghìn ha, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng gỗ khai thác đạt 951,6 nghìn m3, tăng 1,6%; diện tích rừng bị thiệt hại là 29,9 ha, giảm 44,3%. Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 01/2023 ước tính đạt 592,1 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ 2022.

  Infographic sản xuất công nghiêp, tình hình đăng ký doanh nghiệp và hoạt động đầu tư tháng 1/2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%; ngành khai khoáng giảm 4,9%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,4; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2023 so với cùng kỳ 2022 giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương trên phạm vi cả nước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2023 giảm 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,2% so với cùng thời điểm 2022.

Trong tháng 1/2023, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,7% so với tháng trước và giảm 16,6% so với cùng kỳ 2022; có 15,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 146,8% và giảm 21,2%, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2023 lên gần 25,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 19,3% so với cùng kỳ 2022. Cũng trong tháng 01/2023, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022; có 6.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 3,4%; có 2.038 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%.

 Một góc khu phía Tây thủ đô Hà Nội (Ảnh: Lê Tiên)

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 01/2023 ước đạt 27 nghìn tỷ đồng, bằng 4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ 2022. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 01/2023, ước tính đạt 1,35 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ 2022.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 01/2023 có 3 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 126,6 triệu USD, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ 2022. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 126,7 triệu USD, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2022.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 1/2023 ước đạt 42,7 nghìn tỷ đồng, bằng 2,6% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 01/2023 ước đạt 56,7 nghìn tỷ đồng, bằng 2,7% dự toán năm.

  Infographic tổng mức bán lẻ, xuất nhập khẩu và chỉ số giá tháng 1/2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ 2023, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 2,5%). Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ 2022, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu thì nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 28,9% so với cùng kỳ 2022, trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.

Vận tải hành khách tháng 1 ước đạt 341,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 34,7% so với cùng kỳ 2022. Vận tải hàng hóa tháng 1 ước đạt 202,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ 2022.

 Hoạt động văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian được ưa chuộng trong bối cảnh hiện nay (Ảnh: Đức Anh)

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 đạt 871,2 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ 2022 do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 năm nay vẫn giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Tín hiệu đáng mừng hơn cả là theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 1/2023 tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kỳ năm trước là 92,9%; tỷ lệ hộ đánh gia đình có thu nhập giảm là 7,1%. Công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Quý Mão cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện hiệu quả, vui tươi, đầm ấm, thiết thực. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong dịp Tết Nguyên đán đã trích kinh phí tặng quà cho các đối tượng nguồn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn vận động xã hội với tổng kinh phí khoảng 10 nghìn tỷ đồng (ngân sách trung ương khoảng 600 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng trên 3.200 tỷ đồng).

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1654/QĐ-TTg ngày 30/12/2022; các Quyết định số 14/QĐ-TTg; Quyết định số 15/QĐ-TTg; Quyết định số 16/QĐ-TTg và Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 13/01/2023; Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 18/01/2023 hỗ trợ gạo cho gần 200 ngàn hộ với 1,2 triệu nhân khẩu người dân dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2023 cho 17 tỉnh với 18 nghìn tấn gạo.

Các số liệu thống kê nêu trên cho thấy, an sinh xã hội được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế vẫn được tiếp tục duy trì ổn định. Tin tưởng rằng, vạn sự sẽ thuận lợi, trôi chảy cho năm 2023 được đánh giá có nhiếu biến động khó lường từ khu vực đến quốc tế./.

 

 
Lê Nguyễn
527 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 519
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 519
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88968926