|
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi, phát triển KTXH |
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng
Như chúng ta đã thấy, chưa năm nào Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ lại ra nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị cùng nhiều văn bản để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như năm 2022 (3 nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, 5 công điện, 1 chỉ thị).
Cùng với đó là 6 Tổ công tác của Chính phủ do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 2 tư lệnh ngành (Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm tổ trưởng, để kiểm tra, đôn đốc quyết liệt đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cũng được thành lập từ rất sớm. Theo đó, Tổ công tác thường xuyên có những cuộc họp trực tuyến, họp trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương được phân công theo dõi để kịp thời nắm bắt những khó khăn và đôn đốc tiến độ giải ngân. Tại các cuộc họp của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu Chính phủ luôn quan tâm và nhắc nhở không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm gấp rút” trong giải ngân vốn đầu tư công.
Người đứng đầu Chính phủ từng nhiều lần nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời cũng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương cần quan tâm đến công tác này, cần bám sát hiện trường, giải quyết ngay các nút thắt, đôn đốc chủ đầu tư thi công các công trình, dự án... để hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Có thể nói năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc vượt qua hậu quả đại dịch COVID -19 gây ra, đồng thời tiếp tục tạo nền tảng để cả nước thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Do đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công càng trở nên vô cùng quan trọng để đưa nguồn vốn vào trong xã hội, tạo động lực phát triển mới cho đất nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 31/1/2023 là 539.276,51 tỷ đồng, đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 78,08% kế hoạch và đạt 95,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Có 13 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt trên 90%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Hội Luật gia (100%), Ngân hàng Nhà nước (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Bộ Nội vụ (100%), Hội Nhà văn (100%), tỉnh Thái Bình (97,4%), tỉnh Lâm Đồng (96,9%)…
Giải ngân vốn đầu tư công thấp do nhiều nguyên nhân, khách quan và chủ quan, song có thể nói, tỷ lệ giải ngân thấp kéo theo nhiều hệ lụy, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tác động tiêu cực đến việc triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang chịu tác động của sau đại dịch COVID -19.
Quyết liệt, đột phá đầu tư công năm 2023
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn là hơn 711.700 tỷ đồng. Đây là tổng mức đầu tư rất lớn, tăng khoảng 140 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 25%) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Đồng thời cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy có thể thấy, khối lượng vốn cần giải ngân trong năm 2023 rất lớn.
Do vậy để hoàn thành được kế hoạch giao, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành là xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, thực hiện điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đồng thời cần nhận thức đầy đủ về đầu tư công, đó là, thúc đẩy đầu tư công chính là động lực vô cùng to lớn để phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Nhất là những năm đổi mới vừa qua cho thấy, đầu tư công ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trước yêu cầu cao và cấp bách như vậy, Thủ tướng yêu cầu cần phải hành động ngay và quyết liệt đó là năm 2023 giải ngân ít nhất hơn 676.115 tỷ đồng (tức 95%) và không trả lại vốn. Yêu cầu này đặt ra trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hai tháng đầu năm mới đạt hơn 49.247 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 2%.
Trên 90% bộ, cơ quan trung ương và 30% địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 5%, trong đó 44 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân. 26 bộ, cơ quan trung ương và 50 địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư công. Giữa tháng này, Chính phủ đã lập 5 tổ công tác tháo gỡ giải ngân vốn công.
Chỉ thị lần này, yêu cầu các cấp, ngành tăng phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phối hợp để khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.
“Các cơ quan, địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao năm nay, bố trí vốn, không để tình trạng có vốn mới làm chuẩn bị đầu tư, vốn chờ thủ tục và không trả lại kế hoạch vốn năm 2023”, Chỉ thị của Thủ tướng nêu.
Các đơn vị lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch theo tháng, quý; đưa ra tiêu chuẩn định mức để làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương, quyết định đầu tư cho các dự án không có cấu phần xây dựng.
Việc tạm ứng, thanh toán vốn cần được thực hiện ngay khi có khối lượng, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang nơi có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các dự án đủ thủ tục đầu tư, điều kiện giao vốn trung hạn 2021-2025 và đề xuất phương án xử lý với số vốn đã phân bổ nhưng không thể giao chi tiết nhiệm vụ, dự án. Theo dõi giải ngân, khả năng cân đối vốn các dự án nhóm A do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Hướng dẫn các đơn vị lập, thẩm định các quy hoạch theo Luật Quy hoạch và xử lý khó khăn về quy hoạch, đấu thầu.
Kho bạc Nhà nước được giao đảm bảo nguồn, thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho các chủ đầu tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn phát sinh về cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, sỏi cho dự án đầu tư công. Việc đánh giá tài nguyên khoáng sản để khai thác cát biển dùng cho san lấp dự án cao tốc, hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần được hoàn thành vào cuối năm nay.
Bộ Xây dựng theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đề xuất và báo cáo Thủ tướng các giải pháp gỡ khó khăn bảo đảm cung cầu, kiểm soát giá vật liệu.
Các bộ, ngành áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án để chọn nhà thầu đủ năng lực; tránh để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá với hợp đồng trọn gói thi công.
Các địa phương giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại. Địa phương cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án. Địa phương kiểm soát biến động giá, xử lý hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi. Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giao, giải ngân vốn đầu tư công sẽ bị thay thế và có chế tài xử lý phù hợp.
Thiết nghĩ, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công cần phải có giải pháp quyết liệt, trước hết quy trách nhiệm người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi không giải ngân được vốn. Kế hoạch vốn đầu tư công được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương là chỉ tiêu, pháp lệnh cần phải thực hiện nghiêm... Đáng chú ý, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, nên chăng cần bổ sung chế tài đối với các trường hợp trả lại kế hoạch. Cần phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, kiên quyết thu hồi vốn, hủy dự toán và không bố trí lại đối với những trường hợp trả lại vốn./.