Cà phê Khe Sanh mong vốn tái canh 

(QT) - Vào thăm rẫy của anh Lê Kim Phước ở thôn Hướng Hải, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, chúng tôi cảm giác như lạc vào vùng rừng xanh ngút ngàn của tiêu và cà phê. Anh Phước cho biết, những năm vừa qua thị trường cà phê biến động liên tục nên người trồng cà phê luôn thấp thỏm lo âu mỗi khi vào vụ thu hoạch. Như niên vụ năm 2011 giá cà phê quả tươi đạt 11.000-12.000 đồng/kg, người trồng có lãi cao nên phấn khởi đầu tư chăm sóc vườn. Sang niên vụ 2012 cà phê vừa mất mùa, vừa mất giá, bình quân 6.000- 7.000 đồng/kg nên lợi nhuận thấp. Giai đoạn 2013-2015 giá cà phê sụt giảm kỷ lục, chỉ còn khoảng 3.000- 4.000 đồng/kg, thu hoạch không đủ bù đắp chi phí nên nhiều hộ bỏ vườn không đầu tư chăm sóc hoặc chặt bỏ chuyển sang trồng loại cây khác. Hiện giá cà phê tăng lên 10.000 đồng/kg, người trồng cà phê lại hy vọng vào một vụ mùa thắng lợi.
Cà phê Khe Sanh mong vốn tái canh

Thăng trầm cùng cà phê

 

Với nhiều hộ gia đình ở vùng Khe Sanh, Hướng Hóa, cà phê chính là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất. Bình quân mỗi hộ gia đình có từ 1-2 ha, hộ nhiều có từ 5-7 ha. Với nguồn thu nhập ổn định từ trồng cà phê kết hợp chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống ổn định, khá giả. Theo anh Hoàng Công Nhuận, cán bộ tín dụng chuyên quản cho vay cà phê của Agribank huyện Hướng Hóa, diện tích cà phê chè ở xã Hướng Phùng chiếm 60% tổng diện tích trồng cà phê của huyện Hướng Hóa. Tổng số hộ trồng cà phê trong vùng là 1.251 hộ. Theo thời gian, các hộ gia đình đã mở rộng diện tích trồng cà phê, vay vốn Agribank để chăm sóc, cải tạo, nâng cao chất lượng vườn cây.

 

Như hộ anh Phước, anh Đạt lên Hướng Phùng lập nghiệp từ năm 1998 thiếu thốn đủ bề, nhất là thiếu vốn mua giống và phân bón, Agribank Hướng Hóa đã vận dụng cho vay tín chấp số tiền 2 triệu đồng. Sau đó gia đình anh mua thêm đất rẫy để trồng cà phê, kết hợp với chăn nuôi dê và gia cầm, Agribank đã tăng dần mức cho vay đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của gia đình. Đến nay, hạn mức tín dụng Agribank Hướng Hóa cấp cho những hộ trồng cà phê như mô hình gia đình anh Phước, anh Đạt, anh Cường khoảng 2 tỷ đồng, đủ trang trải chi phí chăm sóc vườn cây cũng như thu mua cà phê khi đến vụ.

 

Niên vụ năm 2016 cà phê Khe Sanh được giá là tín hiệu vui, nguồn động viên lớn đối với người trồng cà phê. Anh Hồ Quốc Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho biết, năng suất cà phê toàn vùng bình quân hàng năm đạt từ 12-15 tấn/ ha, tuy nhiên vụ này được giá nhưng sản lượng giảm do mấy năm vừa qua giá thấp nên người dân ít quan tâm chăm sóc vườn. Anh Trung nói vui, đến vùng trồng cà phê, cứ nhìn vào trung tâm của xã là biết giá cà phê niên vụ đó thế nào. Nếu giá cà phê hạ thì số lượng người đổ về các vườn cà phê hái thuê rất ít, đường sá và các quán vắng vẻ, đìu hiu. Còn ngược lại, như niên vụ này, người lao động khắp các nơi đổ về Hướng Phùng trong mùa thu hoạch cà phê, làm cho khu vực trung tâm của xã thêm phần rộn ràng, tấp nập.

 

Ước mơ nguồn vốn tái canh

 

Đến 31/12/2016 tổng diện tích trồng cà phê của tỉnh Quảng Trị khoảng 5.000 ha, chiếm 1/7 tổng diện tích cà phê chè của cả nước, chiếm 22% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh, tập trung ở địa bàn huyện Hướng Hóa. Tổng số hộ trồng cà phê là 8.620 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô chiếm gần 50%, hầu hết là hộ nghèo. Giá trị sản lượng cà phê năm 2015 đạt 5.829 tấn, năm 2016 đạt khoảng 7.000 tấn. Tổng giá trị mang lại trên 300 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp và hộ trồng cà phê. Tuy nhiên hiện nay cây cà phê ở Hướng Hóa phần lớn được quy hoạch trồng lại từ năm 1994-1995, diện tích cà phê già cỗi trên 15 năm khá lớn, nhiều vườn cây bị sâu bệnh và năng suất thấp.

 

Tháng 8/2016 UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo triển khai “Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê chè trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020 tính đến năm 2025”. Theo đó diện tích cần tái canh đến năm 2025 là 1.910 ha, diện tích cải tạo bằng các biện pháp khác (cưa, đốn…) là 490 ha. Quan điểm của tỉnh xem tái canh cà phê là nhiệm vụ quan trọng đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, bền vững hơn và có sức cạnh tranh cao, cải thiện đời sống cho người dân, đồng thời tăng sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh. Được hỏi về phương án chuyển đổi sản xuất khi giá cà phê thiếu ổn định, anh Phước và nhiều hộ dân Hướng Phùng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào cây cà phê bởi đây là cây trồng phù hợp nhất và mang lại hiệu quả cao nhất từ trước đến nay.

 

Dẫu giá cà phê có xuống thấp đi nữa, theo tính toán của anh Phước, vẫn có lợi hơn trồng lúa như ở một số vùng đồng bằng. Với mức giá bình quân 6.000-7.000 đồng/kg cà phê, trừ chi phí chăm sóc cũng có lãi. Như gia đình anh, ngoài trồng cà phê, tiêu, còn mở thêm dịch vụ ăn uống và vận chuyển phân bón, thu mua cà phê cho người dân quanh vùng nên thu nhập bình quân đạt 300- 500 triệu đồng/ năm. Anh Phước cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh và người trồng cà phê ở Hướng Hóa rất thích chương trình tái canh cà phê ở vùng Tây Nguyên.

 

Hiện tại Agribank đã tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn, thời hạn và lãi suất cho vay đối với người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê nên mọi việc cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, nếu có được nguồn vốn tái canh, người trồng cà phê sẽ có thêm nguồn vốn ưu đãi để tiến hành thay thế các giống cà phê mới có các đặc tính vượt trội, đồng thời ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất cà phê có hiệu quả hơn, từ đó mang lại thu nhập cao hơn. Bày tỏ nguyện vọng của người trồng cà phê với ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank tỉnh Quảng Trị, ông Thông cho biết, đây cũng chính là trăn trở của Agribank Quảng Trị. Đóng vai trò “đầu tàu” trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn nên Agribank Quảng Trị luôn dành ưu tiên cho phát triển kinh tế “tam nông”, trong đó có các cây công nghiệp dài ngày chủ lực của địa phương.

 

Ngay từ năm 1996, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh “về phát triển cây công nghiệp dài ngày bằng vốn vay ngân hàng được ngân sách cấp bù lãi suất”, Agribank Quảng Trị đã triển khai cho vay phát triển cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu…, góp phần khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Sau khi kết thúc chương trình cấp bù, Agribank Quảng Trị tiếp tục đầu tư vốn tín dụng cho gần 8.000 hộ trồng cà phê, 25 doanh nghiệp, 60 hộ kinh doanh cà phê. Doanh số cho vay cà phê hàng năm đạt trên 500 tỷ đồng. Giai đoạn giá cà phê giảm mạnh, một mặt Agribank thực hiện việc gia hạn nợ, giãn nợ nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, mặt khác tiếp tục cho vay để chăm sóc vườn cà phê hay thu mua, chế biến, tạm trữ…

 

Khi Chính phủ có chủ trương tái canh cây cà phê và Agribank triển khai thực hiện ở khu vực Tây Nguyên, Agribank tỉnh Quảng Trị cũng có đề xuất áp dụng cơ chế này cho người trồng cà phê ở Quảng Trị. Tuy nhiên đến nay nhà nước vẫn chưa có chủ trương tái canh cho cà phê ở Quảng Trị. Mặc dù vậy, Agribank Quảng Trị cũng đã áp dụng những cơ chế ưu đãi cho người trồng cà phê như ưu tiên về vốn, lãi suất và mọi điều kiện tốt nhất để các hộ trồng cà phê có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển vườn cà phê. Lãi suất cho vay đối với hộ trồng cà phê là mức lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp, tùy theo chính sách tín dụng từng thời kỳ để có những ưu đãi về vốn, lãi suất, phí…

 

Thêm một tin vui trong niên vụ cà phê này là nhãn hiệu tập thể cà phê chè Khe Sanh “Khe Sanh Arabica Coffee” đang được Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện thủ tục bảo hộ thương hiệu, cũng có nghĩa là trong thời gian tới, thương hiệu cà phê Khe Sanh sẽ ngày càng vươn xa ra thị trường quốc tế, tiếp thêm động lực cho những người trồng cà phê thực hiện khát vọng đổi đời trên chính mảnh đất quê hương.

660 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 323
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 323
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87650783