Từ lâu, đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô các xã A Vao, Tà Long, Ba Nang (huyện Đakrông), Ba Tầng, A Dơi (huyện Hướng Hóa), các chiến sĩ biên phòng là “ngọn lửa” sưởi ấm miền biên ải. Chính từ mảnh đất gian khó này, những người lính biên phòng đã âm thầm giúp dân an cư lạc nghiệp. Có mặt ở Đồn Biên phong Ba Lin (xã A Vao) từ sáng sớm đã cảm nhận không gian vắng lặng, yên tĩnh. Tiếp chúng tôi là Thiếu tá Hồ Văn Sỹ, Chính trị viên phó Đồn Biên phong Ba Lin.
Như hiểu được thắc mắc, Thiếu tá Hồ Văn Sỹ nói: “Anh em chiến sĩ của Đồn đều xuống bản cả rồi. Đồn Biên phong Ba Lin đứng chân trên địa bàn xã A Vao với 9 thôn bản gồm Ro Ró 1, 2, A Vao, Tân Đi 1, 2, 3, A Sau, Kỳ Nơi, Pa Lin (chiếm gần 90% là đồng bào dân tộc Pa Kô). Đời sống của người dân các bản làng còn khó khăn nên anh em Đồn Biên phòng Ba Lin thường xuyên xuống bản để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân.
Muốn biết cuộc sống, công việc của Bộ đội Biên phòng thì cứ theo chân các anh xuống bản làng là phần nào sẽ hiểu”. Sau bữa cơm trưa ấm cúng tại Đồn Biên phòng Ba Lin, chúng tôi theo Thượng úy Trần Xuân Nhân, Đội trưởng Đội vận động quần chúng vào bản Pa Lin. Trước khi xuống bản, Thượng úy Trần Xuân Nhân đưa chúng tôi ghé thăm Thiếu tá Phạm Văn Điển đang được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã A Vao từ đầu năm 2015. Câu chuyện với Thiếu tá Phạm Văn Điển cứ xoay quanh mãi với bộn bề trăn trở làm sao để góp phần cùng Đảng ủy, chính quyền xã từng bước xóa được đói, giảm được nghèo một cách bền vững cho người dân trên địa bàn xã.
Và công việc của các chiến sĩ biên phòng khi tăng cường về xã, ngoài sự năng động, tận tâm, tận lực trong công tác để cùng với Đảng ủy, chính quyền xã đưa chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống; cụ thể hóa trên các mặt đời sống và trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh mọi mặt. Các anh còn trực tiếp kiên trì vận động người dân từ những việc tưởng rất nhỏ như khi ốm đau, bệnh tật thì không mời thầy cúng mà ra trạm y tế xã để được khám chữa bệnh; cho con em đến trường đúng độ tuổi; đến từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa…
|
Lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Trị cùng đồng bào sản xuất lương thực. Ảnh: Thanh Hải
|
Chính các anh thực sự là “cánh tay nối dài” giữa đồn biên phòng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như nhân dân biên giới. Xuống đến bản Pa Lin thì trời đã xế chiều, chúng tôi ghé nhà Trưởng bản Hồ Xông Nhiên. Tranh thủ trời chưa tối, Trưởng bản Hồ Xông Nhiên nhiệt tình dẫn chúng tôi cùng Thượng úy Trần Xuân Nhân đi thăm hộ gia đình làm kinh tế giỏi của bản như Kăn Ray, Kôn Hợp… “Giờ gia đình tôi có 1 ha lúa nước, 1 ha trồng sắn và 4 ha trồng rừng cũng nhờ Bộ đội Biên phòng cả. Bởi không có Bộ đội Biên phòng thì gia đình tôi cũng như dân bản cứ đói nghèo mãi thôi. Hồi trước khi tôi đi tìm những khoảnh đất bằng phẳng bên suối để cải tạo thành ruộng trồng lúa nước, dân bản lo tôi bị giàng phạt.
Lúc đầu, tôi cũng sợ nên định không làm nữa. Nhưng rồi Bộ đội Biên phòng đến nhà vận động, khuyến khích tôi trồng lúa nước để có cái ăn quanh năm, thế là tôi quyết tâm tiếp tục làm để có cơ ngơi như ngày hôm nay”, Kăn Ray hồ hởi cho biết như vậy khi chúng tôi đến thăm nhà. Để có “cái ăn quanh năm” như lời Kăn Ray nói, cách đây chục năm khi các bản Kỳ Nơi, A Sau, Pa Lin còn nằm biệt lập hoàn toàn giữa heo hút núi rừng Trường Sơn bởi không có đường giao thông, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin đã cắt rừng, vượt dốc để vào “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và vận động đồng bào dân tộc Pa Kô dần xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu…
Đứng trên ngọn đồi trước bản Pa Lin nhìn xuống những thửa ruộng trồng lúa nước với ánh nắng chiều tà đọng lấp lánh trên sắc lá xanh mỡ màng, ít ai ngờ nơi đây từng là miền đất gian khổ bậc nhất của xã A Vao. Và không ai khác, chính những người lính biên phòng Đồn Biên phòng Ba Lin đã sát cánh cùng dân bản để biến nơi đây thật sự là “đất lành”. Bữa cơm tối dưới ánh điện ở nhà Trưởng bản Hồ Xông Nhiên lại tiếp tục với vấn đề “thời sự” về cây trồng, vật nuôi… của bản. Theo Trưởng bản Hồ Xông Nhiên thì bản Pa Lin có 40 hộ dân không còn quay quắt trong đói nghèo qua mấy mùa lúa rẫy như trước đây.
|
Lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Trị hướng dẫn đồng bào sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Ảnh: Thanh Hải
|
Và mấy năm trở lại đây, bà con dân bản tập trung trồng sắn để cải thiện đời sống, để thực hiện ước mơ vươn lên khá giàu trên chính thung lũng Pa Lin. Hiện tại, bình quân mỗi gia đình ở bản Pa Lin trồng khoảng 1 - 2 ha sắn. Cây sắn thực sự mang lại nguồn thu lớn cho dân bản. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá sắn củ thấp. Như hiện tại, sắn củ tươi có giá 700 đồng/kg vẫn không bán được mà nguyên nhân là xe vận chuyển, thu mua sắn không vào được đến bản bởi con đường nối từ Đồn Biên phòng Ba Lin vào bản bị xuống cấp trầm trọng. Mấy hôm nay, bà con dân bản tìm đến nhà Trưởng bản Hồ Xông Nhiên để tâm sự, hỏi han rồi phân vân không biết chọn loại cây trồng gì để thay thế cây sắn? Nghe Trưởng bản Hồ Xông Nhiên nói vậy, thấy trong ánh mắt của Thượng úy Trần Xuân Nhân hằn in nét ưu tư.
Nét ưu tư ấy chúng tôi từng bắt gặp trên khuôn mặt của Thiếu tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng khi tôi cùng anh vào bản Loa (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa) ghé thăm gia đình anh Hồ Văn Hoạt rồi nghe anh tâm sự chuyện cây sắn, giá sắn đang giảm xuống làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Có “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân mới có sự trăn trở, ưu tư cùng những khó khăn mà người dân gặp phải. Và các chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng Ba Lin, Sa Trầm, Ba Tầng đang ngày đêm ưu tư, trăn trở làm sao để người dân các bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, nơi các anh đóng quân không còn nghèo, còn khổ.
(Còn nữa)
Hoàng Tiến Sỹ - Nguyễn Thanh Hải
|