Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: ĐT
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 người. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 33,5%, số tử vong tăng 05 trường hợp.
Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 09/8/2017, toàn thành phố đã ghi nhận gần 14.000 ca mắc, 5 bệnh nhân tử vong.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội phân bố tại 30/30 quận/huyện với túyp vi rút sốt xuất huyết lưu hành là D1, D2, D4.
10 quận/huyện trên địa bàn Hà Nội có số mắc cao nhất là: Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai.
Tính đến ngày 9/8, toàn thành phố đã ghi nhận 1.538 ổ dịch tại 25/30 quận/huyện, 241/584 xã/phường. Hiện tại vẫn còn 285 ổ dịch chưa kết thúc phân bố chủ yếu tại Đống Đa và Hoàng Mai.
Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng nhanh, tăng cao và xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch sẽ tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Nguyên nhân dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội là do nền nhiệt độ trung bình năm 2017 của khu vực miền Bắc cao hơn các năm trước, nhiệt độ ấm ngay từ đầu năm, mùa mưa đến sớm nên tạo thuận lợi cho muỗi phát triển.
Cùng với đó điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu lán trọ, nhà tập thể cũ, các khu đất trống xen kẹt, công trường với nhiều dân vãng lai đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn... cũng góp phần làm cho các ổ dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Bên cạnh đó ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp còn hạn chế với ngành y tế trong việc phun hóa chất xử lý ổ dịch. Tại Hà Nội, 10% hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, các năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận hai tuýp gây bệnh sốt xuất huyết là tuýp D1 và D2, nhưng hiện nay đã phát hiện thêm tuýp D4, vì vậy sẽ làm tăng nguy cơ số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Dự báo thời gian tới dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho dịch phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo trung tâm Y tế dự phòng thành phố và một số bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến quận/huyện phải chuẩn bị tốt việc thu dung điều trị, thuốc men, cơ số phòng chống dịch, sẵn sàng thu dung tất cả các trường hợp bệnh sốt xuất huyết khi nhập viện, thực hiện việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để tránh quá tải, nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.
Đồng thời thực hiện đầy đủ, đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tới tất cả các xã, phường, phun hóa chất chủ động. Tiếp tục phát huy các đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố...
Để chủ động và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian tới, Bộ Y tế cho biết sẽ cử 4 đoàn của 2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện sốt rét – Ký sinh trùng, côn trùng Trung ương tăng cường hỗ trợ cho 4 quận của Hà Nội. Tổ chức tiếp 6 đoàn của Bộ Y tế đi kiểm tra 8 tỉnh trọng điểm về sốt xuất huyết. Cục Y tế dự phòng đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết.
Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ kích hoạt văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh để đáp ứng dịch bệnh sốt xuất huyết. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các đội xung kích phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn toàn thành phố trong việc loại bỏ ổ bọ gậy nguồn.
Tăng cường phối hợp liên ngành, có thể huy động thêm các ban ngành. Theo đó, sẽ huy động khối công an, quốc phòng trên địa bàn phối hợp tích cực và cùng vào cuộc quyết liệt trong việc tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt trong hoạt động diệt bọ gậy tại các điểm nóng, hộ gia đình, tham gia các đội cùng y tế đi phun hóa chất.
Tổ chức tập huấn nâng cao về chuyên môn kỹ thuật về giám sát, phòng chống và điều trị cho cán bộ y tế tại các đơn vị y tế dự phòng và cơ sở điều trị các tuyến. Chỉ đạo công tác phân loại, phân tuyến, chuyển tuyến, thu dung điều trị, tránh quá tải, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới trong công tác điều trị để hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Được biết, Bộ Y tế đã cấp hỗ trợ các địa phương 10.220 lít hóa chất diệt muỗi, 3.250 bộ trang phục phòng chống dịch, 500 hộp hóa chất diệt ấu trùng muỗi và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng./.
Đỗ Thoa