Ảnh minh hoạ (Nguồn: hanoitimes.com.vn)

Trong 11 tháng năm 2017, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ, Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Triển khai cơ cấu lại kinh tế trong các ngành, lĩnh vực; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017; triển khai kế hoạch tài chính 5 năm của quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ, hạn hán, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Nhìn chung, trong 11 tháng năm 2017 có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2016 tuy cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới khởi sắc hơn, tăng trưởng và thương mại toàn cầu phục hồi, nhất là các nền kinh tế lớn, đã có tác động tích cực đến nền kinh tế trong nước. Tình hình thời tiết trong nước những tháng đầu năm diễn biến tương đối thuận lợi, vấn đề môi trường biển miền Trung được khắc phục, hiệu ứng tích cực của nhiều giải pháp chính sách phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính được phát huy, tạo lập được niềm tin và sự hứng khởi của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ, ổn định xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kết quả nổi bật của 11 tháng năm 2017 là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, quý III đã tiếp tục đà bứt phá của quý II, có mức tăng trưởng vượt bậc (quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và quý III tăng 7,46%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ y tế, giáo dục không gây ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá; tín dụng đối với nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm, trải đều qua các tháng thể hiện xu hướng tích cực và khả năng hấp thụ vốn tương đối tốt của nền kinh tế, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong những tháng vừa qua có chuyển biến, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao hơn cùng kỳ, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, cơ cấu đầu tư theo hướng tích cực. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao. Quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và thủy sản diễn ra mạnh mẽ; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được thực hiện quyết liệt. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình sản xuất công nghiệp được cải thiện rõ nét nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng năm nay và cao hơn nhiều mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng cao với mức tăng 14,4%, đóng góp 10,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc. Tính chung 11 tháng năm nay, cả nước có 116.045 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.131,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% về số doanh nghiệp và tới tăng 41,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 24,3%. Nhìn chung, trong 11 tháng năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới tại các vùng trong cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trong những tháng cuối năm có chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án đầu tư. Tính chung 11 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 252,8 nghìn tỷ đồng, bằng 82,9% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh nhờ hiệu ứng dịch chuyển dòng vốn đầu tư của thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng hấp thụ tốt. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/11/2017 thu hút 2.293 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 19,8 tỷ USD, tăng 2,4% về số dự án và tăng tới 52% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 1.100 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 8 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 11 tháng năm 2017 lên 27,8 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.600,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,9%).

Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, nhập siêu đã được kiểm soát. Mặc dù trong 9 tháng nhập siêu khoảng 442 triệu USD, chiếm gần 0,3% kim ngạch xuất khẩu do tác động của lộ trình giảm thuế theo các cam kết thương mại quốc tế; tuy nhiên, nhập siêu tăng chủ yếu là do nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như nguyên liệu, máy móc, thiết bị, linh kiện; nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị cho các dự án sản xuất lớn tăng như dự án của Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Viettel.... Trong 11 tháng, nhờ cán cân thương mại được cân đối, nên tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. Tính chung 11 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 193,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 191,0 tỷ USD, chỉ tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn tổng thể, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tính chung 11 tháng năm 2017 xuất siêu 2,8 tỷ USD…

Nhìn chung, kinh tế nước ta 11 tháng năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng cải thiện rõ nét qua từng quý. Các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu tăng cao, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài đạt khá. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức. Tình hình thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp, bất thường ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp; đời sống một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn. Để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế năm 2017, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm còn rất lớn, đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 cùng các giải pháp đã được đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện kịch bản tăng trưởng cả năm 2017./.

Đặng Hiếu