|
Triển khai xây dựng NTM đã từng bước góp phần nâng cao thu nhập cho
người dân nông thôn. (Ảnh: DC) |
Khoảng 62% số xã đạt chuẩn NTM
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dự kiến đến hết tháng 12/2020, cả nước có khoảng 5.506 xã (62%) đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã (tăng 0,72 tiêu chí so với năm 2019); cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Đáng chú ý, trong năm 2020, cả nước có 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 26% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
Đồng thời, có 3 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Tỉnh Hà Nam đã được Hội đồng thẩm định Trung ương họp xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020, hiện đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận. Với tỉnh Thái Bình và TP. Cần Thơ đã có 100% số xã và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, hiện nay, đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.
Triển khai các chương trình thuộc xây dựng NTM, riêng về OCOP, Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay, cả nước đã có 51 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, 2.965 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó 61,4% sản phẩm 3 sao, 36,2% sản phẩm 4 sao và 72 sản phẩm tiềm năng 5 sao, vượt 1,24 lần so với mục tiêu đề ra của Chương trình giai đoạn 2018 - 2020.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án hỗ trợ cho các thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, ước đến hết năm 2020 có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM; có 15/108 xã (13,9%) thuộc 4 Đề án xây dựng NTM đặc thù (tại Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM. Đồng thời, cơ bản hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đáng chú ý, triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tại huyện Nam Đàn, hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”, địa phương đã đẩy mạnh đầu tư các hạng mục hạ tầng cấp huyện, cấp xã, đồng thời nâng cấp tương đối đồng bộ hạ tầng văn hóa gắn với du lịch. Nam Đàn đã triển khai trồng thêm 4.500 cây xanh các loại tại các tuyến đường và trụ sở làm việc. Kết quả đầu tư về hạ tầng và cảnh quan tạo ra sự thay đổi rõ nét so với thời điểm trước khi thực hiện Đề án huyện NTM kiểu mẫu.
Với huyện Hải Hậu, Nam Định - xây dựng NTM kiểu mẫu về “Sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững”, huyện đã tập trung chỉnh trang cảnh quan, môi trường ở tất cả các hộ gia đình, xóm, tổ dân phố, các trục đường, trụ sở, khu trung tâm, khu vui chơi giải trí và các công trình công cộng. Bên cạnh đó, đã có 524 xóm, tổ dân phố (96%) trên địa bàn huyện duy trì được kết quả đạt chuẩn NTM “bền vững và phát triển” từ 2-4 năm liên tục.
Phấn đấu cả nước có khoảng 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2021
Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2021, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tính bền vững, ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn. Phấn đấu năm 2021, cả nước có khoảng 70% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 6% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có 200 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng trên 25 đơn vị cấp huyện so với năm 2020), 7-8 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; khoảng 4.000 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Để triển khai hiệu quả mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan và các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình giai đoạn 2021-2025; tiếp tục rà soát, hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.
Đặc biệt, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, các phong trào thi đua thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng chú ý, chỉ đạo các địa phương, căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình năm 2021-2025, để chủ động lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của năm 2021.
Trong đó, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn phát triển kinh tế nông thôn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và quốc phòng trên địa bàn nông thôn.
Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2021, phấn đấu tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để góp phần nghiên cứu, giải quyết các vấn đề từ thực tiễn đặt ra trong phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân, phù hợp với điều kiện đặc thù của các địa phương. Mặt khác, tập trung giải quyết, xử lý một số vấn đề bức thiết ở địa phương được đúc rút sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM như: thu gom và xử lý chất thải, nước thải, cung cấp nước sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ thông tin…
Để triển khai tốt chương trình, theo Bộ NN&PTNT, sẽ tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực; vận động, hợp tác với các tổ chức quốc tế hỗ trợ tư vấn và kỹ thuật cho chương trình xây dựng NTM. Tranh thủ hỗ trợ vốn và vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển quốc tế để tăng nguồn lực cho xây dựng NTM.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể các cấp, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện về kết quả xây dựng nông thôn mới ở cơ sở./.