Cả nước chung sức vì người nghèo 

(ĐCSVN) - Giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Với phương châm “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác xoá đói, giảm nghèo ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu rất tích cực. Tỷ lệ nghèo cả nước năm 2018 chỉ còn 5,23%.

 

Một ngôi nhà kiên cố của một gia đình thoát nghèo ở Sơn La (Ảnh: Đặng Hiếu) 

Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã được thể chế hóa và ngày càng hoàn thiện trên cơ sở bám sát các chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo nói chung và mục tiêu, yêu cầu xóa đói giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chính sách giảm nghèo có tác động đa chiều đến mọi mặt đời sống của người nghèo, cộng đồng nghèo. Nhiều chính sách được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành đã tạo ra hướng tiếp cận mới trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Hệ thống các chính sách giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, nhằm bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ hơn.

Nhiều địa phương đã vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách, hướng dẫn của Trung ương và chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, như: Chính sách khuyến khích, vận động người nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; hỗ trợ giáo dục; chính sách tín dụng ưu đãi, vay vốn xuất khẩu lao động, làm nhà ở, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo... góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Những kết quả tích cực

Để “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trở thành phong trào rộng khắp, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo thường xuyên được các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan báo chí triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhờ đó, đã góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng để huy động nguồn lực xoá đói, giảm nghèo. Chẳng hạn, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, tính đến tháng 6/2019, ngân sách nhà nước đã bố trí 64.111 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên và một số chính sách an sinh xã hội; tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 194.420 tỷ đồng; huy động xã hội được khoảng 18.735 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội và giảm nghèo; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận các tỉnh, thành phố, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019 đã vận động ủng hộ được hơn 13.000 tỷ đồng;…

Điểm đáng chú ý, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, điển hình như: Mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng ở Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Lai Châu thông qua các Đoàn kinh tế quốc phòng triển khai, nhân rộng; mô hình giảm nghèo liên kết với doanh nghiệp như Công ty cổ phần Bông Việt Nam, Tổng công ty chè Việt Nam; mô hình giảm nghèo dựa vào phát huy vai trò cộng đồng, như mô hình mây tre đan ở Nghệ An; mô hình trồng lanh thổ cẩm ở Lào Cai; mô hình nuôi gà thả đồi đệm lót sinh học ở Hòa Bình; mô hình dạy nghề mộc cho thanh niên ở Bắc Kạn; mô hình giảm nghèo “5+1” của Hội Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo ở Bến Tre;… Đồng thời, xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình vươn lên thoát nghèo tại nhiều tỉnh/thành phố, như: phong trào viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của huyện Ba Chẽ, Bình Liêu (Quảng Ninh), Con Cuông, Tân Kỳ (Nghệ An); Sơn Hà (Quảng Ngãi)...

Nhiều huyện nghèo, xã nghèo đã quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn vừa qua có 8/64 huyện thoát nghèo; 14/29 huyện hưởng cơ chế Nghị quyết 30a thoát nghèo; 87 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát nghèo đạt chuẩn nông thôn mới, 44 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát nghèo. Mỗi năm có trên 300.000 hộ nghèo thoát nghèo. Để ghi nhận những đóng góp và thành tích đạt được của các tập thể và cá nhân vươn lên thoát nghèo, năm 2018 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức biểu dương và khen thưởng cho 8 huyện, 38 xã nghèo và 30 hộ nghèo điển hình vươn lên thoát nghèo.

Về cơ bản công tác xoá đói, giảm nghèo ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất khích lệ. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, bình quân giảm 2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần), đạt mục tiêu đề ra. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ nghèo cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 5,23% năm 2018, bình quân mỗi năm giảm 1,55%, đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra; tỷ lệ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm, vượt mục tiêu (giảm 4%); các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4% trở lên mỗi năm, đạt mục tiêu.

Tập trung xoá nghèo bền vững

Tuy nhiên, nhìn chung kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo tái nghèo, nghèo phát sinh còn cao do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Một số người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng. Một số chính sách giảm nghèo còn manh mún, dàn trải. Nguồn lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, việc bố trí vốn chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.

Một số xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên đời sống người dân trên địa bàn vẫn còn khó khăn. Do đó, nhiều xã vẫn có tâm lý không muốn thoát nghèo, vẫn mong muốn được tiếp tục được hỗ trợ đầu tư từ Chương trình 135, từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và người dân trên địa bàn vẫn muốn tiếp tục được hưởng một số chính sách khác như hỗ trợ bảo hiểm y tế...

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong những năm tới, nhất là xây dựng chương trình cho giai đoạn 2021 - 2025, cần đánh giá, sơ kết 3 năm thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số chiều chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho phù hợp, như bổ sung chỉ số việc làm, bảo hiểm xã hội để phản ánh thu nhập và an ninh cuộc sống của người dân trước những rủi ro trong cuộc sống, đồng thời cũng là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo giai đoạn tới để có các giải pháp tác động phù hợp, làm cơ sở để thực hiện nguyên tắc hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian. Cần thực hiện triệt để nguyên tắc khi ban hành cơ chế chính sách theo hướng giảm hỗ trợ cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả, đồng thời cần tăng nguồn lực cho hệ thống chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Cả nước hiện nay còn 56 huyện nghèo, 29 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a, trên 2.000 xã thuộc Chương trình 135, trên 20.000 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Vì vậy vẫn cần phải tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, thích ứng biến đối khí hậu, để đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người ở mọi nơi theo mục tiêu phát triển bền vững.

Do vậy, cần tiếp tục, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo theo hướng tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình Mục tiêu xoá đói, giảm nghèo./.

 
Đặng Hiếu
354 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1158
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1158
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87150397