"Cá - nước" biên thùy. Bài 3 "Chuyển kể dưới chân cột mốc" 

(QT) - Tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc để giữ gìn biên cương Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả mà các chiến sĩ biên phòng đang làm hàng ngày, hàng giờ. Và trên cung đường tuần tra, các anh luôn thường trực nụ cười “quên nắng, thắng mưa” nhưng ít ai biết những gian khổ, vất vả mà các anh trải qua…
"Cá - nước" biên thùy. Bài 3 "Chuyển kể dưới chân cột mốc"

Dù đã thuộc nằm lòng mấy câu thơ “Nay biên giới đang vào mùa bọ chó/ Ruồi vàng bay rám cả vạt giang/ Tai nóng giẫy từng cơn, từng cơn gió/ Từ bên kia đất bạn đốt sang” (Thư gửi từ biên giới - Nguyễn Đức Lợi) nói lên những khó khăn, vất vả, thiệt thòi của các chiến sĩ biên phòng. Đến khi thực sự đặt chân lên những cung đường lầy lội bùn đất, lổn nhổn đá hộc, đá dăm xuyên qua rừng nguyên sinh rậm rịt, ngoằn ngoèo bám theo sườn núi, vực thẳm, tôi cứ tưởng mình thấu hiểu phần nào ý tứ sâu xa mà tác giả bài thơ muốn gửi gắm. Thì đây, cung đường nối Đồn Biên phòng Ba Lin vào bản Kỳ Nơi, A Sau, Pa Lin (xã A Vao); đường từ trung tâm xã Ba Nang vào Đồn Biên phòng Sa Trầm (huyện Đakrông); đường từ Đồn Biên phòng Sa Trầm nối Đồn Biên phòng Ba Tầng (huyện Hướng Hóa).

 

Chỉ những cung đường “dễ dàng” đó cũng khiến tôi vã mồ hôi theo từng đợt “lạnh sống lưng” giữa tiết trời tháng ba còn vướng vất chút giá lạnh mùa đông, bởi chiếc xe máy thỉnh thoảng lại xoay ngang cận kề bên mép vực hoặc chồm chồm trèo lên đoạn dốc dựng đứng. Ấy vậy mà khi về Đồn Biên phòng Ba Lin, tôi nhận được nụ cười cảm thông của Thiếu tá Hồ Văn Sỹ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ba Lin khi nghe tôi kể lại. Hóa ra, những cung đường ấy các anh vẫn đi lại hàng ngày để về các bản làng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân. Thử thách khắc nghiệt thực sự của thiên nhiên, của đường sá với các chiến sĩ biên phòng (và ý tứ ám ảnh trong mấy câu thơ trên) chính là đường tuần tra đường biên, cột mốc biên giới chứ không phải vài cung đường tôi đã qua.

 

Thiếu tá Hồ Văn Sỹ kể ngắn gọn, khúc chiết rằng, Đồn Biên phòng Ba Lin đứng chân trên địa bàn xã A Vao (huyện Đakrông) có nhiệm vụ bảo vệ 22,708 km đường biên; 10 mốc quốc giới (từ mốc quốc giới 624 đến 633). Xã A Vao có 5 thôn giáp biên gồm Ro Ró 1, Tân Đi 2, A Sau, Pa Lin, Kỳ Nơi. Ngoài nhiệm vụ tuần tra đường biên, cột mốc thì trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Đồn Biên phòng Ba Lin đã chủ động phối hợp với chính quyền xã, các thôn, bản tổ chức 27 buổi tuyên truyền với sự tham gia của 2.931 lượt người nghe; phối hợp với UBND xã A Vao tổ chức khảo sát thực tế các tập thể, cá nhân đăng ký tham gia phong trào.

 

Qua công tác khảo sát, Đồn Biên phòng Ba Lin đã lựa chọn 31 hộ tham gia tự quản đường biên, cột mốc (tự quản 4,675 km đường biên và 6/10 mốc quốc giới); thành lập 9 tổ giữ gìn trật tự an ninh thôn bản ở khu vực biên giới… Hàng ngày, khi những tia nắng đầu tiên chiếu xiên qua cây lá của tán rừng Trường Sơn hùng vĩ, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin đã khoác ba lô lên vai và ôm súng tuần tra đường biên, cột mốc để giữ yên từng tấc đất biên cương, giữ yên cho miền biên viễn. Trên những cung đường tuần tra ấy, có bao nhiêu chuyện người ngoài nghe sẽ có cảm giác ớn lạnh nhưng với các anh là chuyện thường ngày.

 

Như hôm vào bản Pa Lin, trên đường đi Thượng úy Trần Xuân Nhân, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ba Lin cho biết, để đến một mốc quốc giới, không thể tính bằng bao nhiêu kilô-mét đường chim bay mà phải tính bằng bao nhiêu ngày cắt rừng, vượt vách đá dựng đứng, trơn trượt, phía dưới là vực sâu… Có nhiều đoạn dốc cao dựng đứng, người đi trước phải dùng rựa phát gai góc, đào bậc cấp rồi mang theo một đầu dây sang phía bên kia dốc để neo buộc đầu dây vào thân cây to. Sau đó, người đi sau cứ bám vào sợi dây, chân bấm vào bậc cấp mà vượt dốc an toàn. Vượt dốc đã khó, lúc xuống dốc càng khó hơn, phải dồn sức xuống chân, liên tục tìm cách trụ lại...

 

Rồi việc các anh đã quá quen với rừng sâu, núi thẳm nhưng mỗi bước chân làm lay động cành lá là lũ vắt ẩn nấp trong lá mục, bụi cây cứ búng như mưa, đeo bám vào người để hút máu. Khủng khiếp nhất là loài vắt xanh, cứ nghe hơi người là chúng ngóc đầu dậy từng đàn, từng lũ rồi búng rào rào. Để đối phó với vắt, trước ngày tuần tra anh em chiến sĩ biên phòng phải “đặc chế” ra loại thuốc đặc trị đó là dùng thuốc D.E.P. (dietyl phtalat) trộn với sợi thuốc lá giã nhuyễn. Khi đi tuần tra, anh em cứ bôi loại hỗn hợp đó lên chân thì loài vắt mới “ngán” mà buông tha...

 

Trên những nẻo đường tuần tra đã vất vả, gian nan là vậy, nhưng các anh sẽ “cô độc” nếu không có quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Hôm chúng tôi đến Đồn Biên phòng Ba Tầng, sau cái bắt tay ấm nồng của người lính đứng chân ở vùng đất gian khó, Thiếu tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng giới thiệu, Đồn Biên phòng Ba Tầng được thành lập theo Quyết định số 22/2006/QĐ- BQP ngày 20/1/2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Quyết định số 1480-QĐ/ ĐU ngày 23/11/2006 của Ban Thường vụ Đảng ủy Biên phòng tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở chia tách địa bàn của Đồn Biên phòng Tam Thanh (617) và Đồn Biên phòng Sa Trầm (621).

 

Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Ba Tầng huấn luyện chiến đấu. Ảnh: Tiến Sỹ 

 

Đồn đứng chân trên địa bàn bản Xa Tuông (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa) phụ trách địa bàn xã A Dơi và Ba Tầng; quản lý đoạn biên giới chính diện dài gần 20 km với 10 mốc quốc giới chính và 5 mốc dấu phụ (từ mốc 608 đến mốc 617). “Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Ba Tầng bên cạnh việc tăng cường công tác vận động quần chúng, tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thành lập các tổ tự quản đường biên, cột mốc thu hút đông đảo nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Ba Tầng còn đến từng bản, từng nhà để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân rồi thông qua đó để tuyên truyền, vận động người dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc”. Tôi cùng Thiếu tá Trần Đức Tứ ghé thăm gia đình anh Hồ Văn Hoạt ở bản Loa (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa).

 

Khi nói đến việc tự quản đường biên, cột mốc, anh Hồ Văn Hoạt cho biết, những năm về trước, người dân bản Loa cũng như nhiều bản làng khác do không hiểu biết hết về đường biên giới trên đất liền, cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc nên cũng có lúc vi phạm quy chế biên giới như xâm canh, xâm cư… Bây giờ, được Bộ đội Biên phòng tuyên truyền nên dân bản hiểu biết tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc. “Ở đâu không biết chứ bản Loa hiện tại không có việc vi phạm quy chế biên giới và bà con dân bản luôn đồng lòng, chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc”, anh Hoạt khẳng định.

 

Cuộc sống đời thường của các chiến sĩ biên phòng ở đồn cũng còn vất vả, gian lao, hôm ăn bữa trưa cùng các chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng Sa Trầm, thấy tôi cứ nhìn mãi chiếc ti vi được “đắp chăn”, Thượng tá Trịnh Trọng Yên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sa Trầm cười: “Ở vùng này do sương muối dày đặc nên các thiết bị điện tử thường nhanh hỏng hóc. Anh em chỉ còn giải pháp là khi không sử dụng thì đắp chăn để tăng tuổi thọ cho các thiết bị điện tử. Cũng chính sương muối quanh năm là tác nhân làm cho vườn rau tăng gia của đồn không mọc nổi… Ở Đồn Biên phòng Sa Trầm, khó khăn nhất là về mùa mưa. Mùa mưa, Đồn hầu như bị cô lập bởi đường từ Đồn Biên phòng Sa Trầm nối xã Ba Tầng thường xuyên bị lũ lụt chia cắt. Còn đường nối từ Đồn Biên phòng Sa Trầm với xã Ba Nang bị xuống cấp và nhiều khe suối nước dâng cao không qua lại được. Khó khăn của anh em chiến sĩ biên phòng thì nhiều lắm. Nhưng tất cả anh em đều quyết tâm vượt qua để làm tròn nhiệm vụ được giao”.

 

Trên những nẻo đường vùng biên gập ghềnh đá sỏi, nơi đất và người còn nhiều khó khăn thì sự hiện diện, tận tình của những người lính quân hàm xanh càng trở nên thân thương, gần gũi. Bao gian nan thử thách mà các chiến sĩ biên phòng trải qua chính là “hành trình đỏ” gìn giữ bình yên và góp phần gieo mầm cuộc sống mới nơi biên cương như tác giả Phạm Vân Anh đã phác họa bằng những câu thơ đẹp lung linh: “Đèo Sa Mù mây bay/ Chúng tôi đi trong hành trình đỏ/ Gieo xuống đất biên thùy hạt ban mai rực rỡ” (Hành trình đỏ).

 

Hoàng Tiến Sỹ - Nguyễn Thanh Hải

 

 

851 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 472
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 472
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88177052