"Cá - nước" biên thùy. Bài 2 "Thầy thuốc của bản làng" 

(QT) Bản gần, bản xa luôn in dấu chân các chiến sĩ biên phòng làm công tác quân dân y. Với “vũ khí” là bơm kim tiêm, viên thuốc chữa đúng bệnh, các anh đang trở thành điểm tựa tinh thần, nơi đến tin cậy của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô những lúc khó khăn, ốm đau, bệnh tật…

Trong những ngày “sống cùng” các chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng Ba Lin, Sa Trầm, Ba Tầng, tôi cứ ấn tượng mãi với câu chuyện băng rừng, lội suối vào bản cứu người của các chiến sĩ biên phòng làm công tác quân dân y. Hôm ở lại bản Pa Lin, xã A Vao và được chuyện trò với Đại úy Cáp Hơn, Trưởng Trạm quân dân y kết hợp Ba Lin, tôi mới thấu hiểu phần nào công việc thầm lặng mà các anh đang làm. Đại úy Cáp Hơn cho biết, đến bây giờ Trạm quân dân y kết hợp Ba Lin được xây dựng khang trang với đầy đủ tiện nghi (Trạm được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam xây tặng vào tháng 4/2014) chứ không còn chuyện thiếu thốn cơ sở vật chất như ngày xưa.

 

Hàng năm, Trạm thăm khám và điều trị cho hơn 600 lượt người, là địa chỉ tin cậy của đồng bào dân tộc Pa Kô các bản Pa Lin, Kỳ Nơi, A Sau (xã A Vao), Ba Ngay (xã Tà Long), A Vòng, A Sau (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào). “Khi ở trạm hay lúc khoác lên mình chiếc áo blu trắng lặn lội đến các bản làng, các chiến sĩ biên phòng làm công tác quân dân y ngoài khám, điều trị đúng bệnh, còn phải biết chịu khó vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rằng khi ốm đau, bệnh tật cúng giàng, cúng ma…chỉ mang thêm bệnh tật, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

 

Nói thì nghe dễ dàng vậy, chứ thực tế để đồng bào thay đổi nhận thức là cả một quá trình dài đầy gian nan, vất vả. Phải xác định vận động theo kiểu “mưa dầm thấm đất” cũng như bằng việc làm cụ thể với bà con đồng bào Pa Kô mới hiệu quả”, Đại úy Cáp Hơn nói. Những trường hợp cụ thể mà Đại úy Cáp Hơn nói đến ví như vào khoảng tháng 3/2016 bệnh nhân Ngô Đức Duy (sinh năm 2002) ở bản Kỳ Nơi, xã A Vao bị viêm ruột thừa cấp. Khi Đại úy Cáp Hơn đến khám, chẩn đoán đúng bệnh và chỉ định người nhà bệnh nhân cấp tốc đưa bệnh nhân về Bệnh viện đa khoa tỉnh để mổ. Không tin lời Đại úy Cáp Hơn, gia đình quyết định mời thầy mo về cúng bởi cho rằng Duy đau bụng là do ma bắt. Đến ngày hôm sau, bệnh nhân Duy đau đớn quằn quại dữ dội mặc dù thầy mo đã cúng thì gia đình mới mang ra Phòng khám trung tâm Tà Rụt, sau đó, chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh thì ruột thừa bị vỡ. May mà các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh cứu chữa kịp thời Duy mới an toàn tính mạng.

 

Rồi trường hợp Kăn Nưm ở bản Kỳ Nơi, xã A Vao. Người nhà đến báo tin, Đại úy Cáp Hơn cùng người nhà phải đi bộ gần một buổi mới đến nơi (nhà Kăn Nưm nằm gần cột mốc quốc giới 625). Đến nơi, thấy người nhà bệnh nhân đang cúng giàng, cúng ma. Qua thăm khám, Đại úy Cáp Hơn chẩn đoán bệnh nhân Kăn Nưm bị sốt rét. Người nhà bệnh nhân cũng cho biết là bệnh nhân Kăn Nưm bị sốt đã 7 ngày. 7 ngày ấy, người nhà mời thầy mo về cúng hết 5 con gà, 1 con heo, 1 con dê… nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà nặng thêm. Lo quá, người nhà bệnh nhân mới cắt rừng đến Trạm quân dân y kết hợp Ba Lin để tìm Đại úy Cáp Hơn.

 

Sau 2 ngày chính tay Đại úy Cáp Hơn trực tiếp lặn lội đến điều trị, bệnh của Kăn Nưm mới thuyên giảm. Người nhà bệnh nhân Kăn Nưm cứ rối rít cảm ơn Đại úy Cáp Hơn rồi nói là “thuốc biên phòng tốt hơn vạn lần thầy mo”. Cũng có trường hợp sau khi đến thăm khám, Đại úy Cáp Hơn nói với người nhà mang bệnh nhân lên tuyến trên kịp thời. Đó là trường hợp Kăn Nhị bị viêm ruột thừa cấp. Chồng bệnh nhân nghe lời khuyên của Đại úy Cáp Hơn đã nhanh chóng đưa vợ về Bệnh viên đa khoa tỉnh cứu chữa kịp thời. Khi đưa vợ về bản anh đã tìm Đại úy Cáp Hơn để cảm ơn. “Đồng bào dân tộc Pa Kô ở các bản làng trên địa bàn xã A Vao cũng như các bản làng khác thường có họ hàng thân thích với nhau.

 

Khi điều trị lành bệnh cho một bệnh nhân thì chính bệnh nhân ấy cũng như người nhà là “kênh” tuyên truyền, vận động tốt nhất, hiệu quả nhất. Cùng sống, cùng ăn ở gắn bó với đồng bào dân tộc Pa Kô nhiều năm, tôi mới nghiệm ra rằng khi đồng bào tin tưởng thì không có việc gì không làm được. Và các chiến sĩ biên phòng làm công tác quân dân y khi được bà con thương quý thì đó chính là niềm vui, hạnh phúc được dựng xây bằng việc làm cụ thể”, Đại úy Cáp Hơn tâm sự. Và để dựng xây được niềm tin từ bà con đồng bào dân tộc Pa Kô ở các bản làng của xã miền núi A Vao, Đại úy Cáp Hơn đã tự tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi chuyên môn, nghiệp vụ trong suốt 23 năm làm công tác quân dân y từ Đồn Biên phòng Sa Trầm, Cồn Cỏ, La Lay, Mỹ Thủy và nay là Trạm quân dân y kết hợp Ba Lin.

 

Đại úy Cáp Hơn chỉ là một trong số hàng chục, hàng trăm chiến sĩ biên phòng làm công tác quân dân y kết hợp đang ngày đêm thầm lặng gầy dựng niềm tin trong đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở miền biên ải của Tổ quốc. Niềm tin ấy được dựng xây bằng những công việc cụ thể là khám bệnh, điều trị khỏi bệnh cho người dân. Và chính các anh đang góp phần loại bỏ những hủ tục như ốm đau, bệnh tật cứ mời thầy cúng về cúng giàng, cúng ma ngày này sang tháng khác mà thay vào đó là tìm đến phòng khám quân dân y, trạm y tế xã cũng như các cơ sở chữa bệnh khác để khám chữa bệnh.

 

(Còn nữa)

Hoàng Tiến Sỹ - Nguyễn Thanh Hải

 
 
660 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 870
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 871
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76422054