Nỗi buồn ngành sư phạm
Những ngày qua, cùng thời điểm Bộ trưởng Bộ GDĐT nêu quyết tâm năm 2018 ngành sư phạm sẽ tuyển được những thí sinh ưu tú nhất, điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, thì các phương tiện truyền thông cũng đăng tải câu chuyện buồn ở trường sư phạm địa phương.
Tại Trường Cao đẳng sư phạm (CĐSP) Quảng Trị, Khoa tự nhiên chỉ có 5 sinh viên, trong khi số giảng viên là 9 người. Vì nhiều cử nhân sư phạm ra trường vẫn chưa xin được việc làm, nên ngày càng ít người có mong muốn theo học. Dù ít, các thầy cô vẫn nhiệt tình đào tạo. Nhưng nếu trong tương lai không còn sinh viên theo học nữa, thì khoa này đứng trước nguy cơ tan rã.
Buồn hơn, khi Tiến sĩ Trương Đình Thăng – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐSP Quảng Trị chia sẻ rằng câu chuyện ở Khoa tự nhiên của trường là biểu hiện nổi bật nhất cho thực trạng chung của các trường CĐSP trên toàn quốc.
Năm 2017, khi câu chuyện điểm chuẩn ngành sư phạm trở thành tâm điểm của dư luận xã hội, không ít phụ huynh lo lắng trước tình trạng 9 điểm/3 môn cũng có thể đỗ và được đào tạo để trở thành những giáo viên tương lai, gánh trên vai trọng trách đổi mới giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng trường CĐSP địa phương không nên tuyển sinh nữa.
Tuy nhiên, sinh viên thất nghiệp trường sư phạm vẫn phải tồn tại, vẫn nhận chỉ tiêu tuyển sinh để nuôi bộ máy cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường. Cũng vì thế, mỗi năm lại thêm hàng nghìn cử nhân sư phạm gia nhập “đội quân thất nghiệp”.
Tồn tại hay không tồn tại?
Sự thật phũ phàng nêu trên đặt ra vấn đề các trường CĐSP địa phương nên tồn tại hay không tồn tại? Tương lai hệ CĐSP sẽ đi về đâu khi việc tuyển sinh ngày càng khó khăn? Nếu tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo gạt tép” sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) - kiến nghị nên chuyển hết trường CĐSP địa phương thành trường nghề. Trong đó đào tạo rất nhiều nghề và sư phạm chỉ là một trong những nghề mà trường đào tạo.
“Hiện nay tỉnh nào cũng mở trường sư phạm, mỗi năm đóng góp thêm hàng nghìn cử nhân thất nghiệp. Chúng ta đào tạo ra một loạt thanh niên thấp nghiệp như vậy là gây áp lực rất lớn cho xã hội, là một sự lãng phí lớn.
Tôi nghĩ tự các tỉnh phải cân đối lại. Nên chăng chuyển những trường CĐSP đó thành cao đẳng nghề. Đồng thời hình thành được những tuyến nghề nghiệp khác theo nhu cầu của địa phương, thay vì đổ xô vào đào tạo nên những giáo viên không đáp ứng được nhu cầu của đổi mới ngành giáo dục” - Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ.