Cải cách bộ máy Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn 

(Chinhphu.vn) - Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận toàn thể về Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.
 
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 456/BC-UBTVQH14 ngày 17/10/2019 gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp một số cơ quan nhà nước với một số cơ quan của Đảng, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; phân định rõ tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt… 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để có thể đáp ứng hết được những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần có thời gian để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu một cách căn cơ, toàn diện, kỹ lưỡng, từ đó đề ra các giải pháp khả thi và đồng bộ.

Với tinh thần tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong lần này, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dùng một luật để sửa 2 luật, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với những nội dung khác được đề cập trong Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội mà các đại biểu Quốc hội đã nêu trên đây thì sẽ được nghiên cứu thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các văn bản, chương trình, đề án khác và triển khai thực hiện trong quá trình đổi mới hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương và tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để bổ sung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP. Đà Nẵng) đóng góp thẳng thắn về nguyên tắc phân quyền của chính quyền địa phương là nên trao quyền cho Chủ tịch và các ủy viên UBND để bảo đảm sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của UBND. Tuy nhiên, cần có sự giám sát chặt chẽ để tránh lạm quyền của cá nhân được giao quyền.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, nên quy định Thủ tướng có thẩm quyền quyết định thực hiện thí điểm một số mô hình ở các địa phương như mô hình nhất thể hóa chức danh, nâng cao hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Quảng Ninh đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do chưa có trong quy định của luật nên cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm của mình là “góp phần hoàn thiện dự thảo luật”. Theo đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất mỗi tỉnh có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, không phụ thuộc vào Chủ tịch HĐND tỉnh có chuyên trách hay không? Bởi theo xu thế, Bí thư tỉnh ủy sẽ kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, trong khi việc thực hiện giám sát, quyết định các vấn đề lớn của HĐND ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi cần có chuyên môn và “toàn tâm toàn ý” cho hoạt động của HĐND. Đồng thời, nên tính toán để một Phó Chủ tịch HĐND kiêm phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH để có thể truyền tải được nhiều thông tin, ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn.

Về quy định xã loại 3 chỉ có một Phó Chủ tịch xã, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị tăng thêm một Phó Chủ tịch xã đối với xã loại 3 vì việc ở cơ sở ngày càng nhiều, trong khi Phó Chủ tịch xã phụ trách văn hoá-xã hội khó mà giải quyết tốt việc của Phó Chủ tịch xã phụ trách đất đai, xây dựng. Vì thế, tăng thêm một Phó Chủ tịch cấp xã để nâng cao hiệu quả công việc là cần thiết.

“Xu hướng chung là giảm biên chế, tuy nhiên cần nhìn nhận rõ chỗ nào để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì nên tăng thêm cán bộ”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Đề cập đến việc phân cấp, phân quyền hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phân tích: Luật sửa đổi lần này tuy có tiến bộ hơn nhưng cũng vẫn chỉ là sửa đổi về nguyên tắc mà thôi, trong khi cần có quy định cụ thể hơn việc phân quyền, phân cấp, tránh sự chồng chéo, trùng lắp như Luật cần quy định rõ “việc gì Trung ương làm, việc gì địa phương làm”. Nhìn vào đó là biết mình làm gì, thẩm quyền tới đâu để căn cứ vào đó mà làm.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tán thành phương án nên có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, thành phố hoạt động chuyên trách. Đồng thời, không nên cào bằng số lượng Phó Chủ tịch HĐND và các phó trưởng ban của HĐND giữa các các tỉnh, thành phố với nhau. Có như vậy, mới nâng cao hiệu lực của hoạt động giám sát, bảo đảm thực lực, thực quyền của HĐND.

Lê Sơn

460 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 882
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 882
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87014198