Cần những thông điệp mạnh mẽ hơn trong công tác tuyên truyền về biến đổi khí hậu 

(ĐCSVN) - Tác hại của biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề nhiều quốc gia đang phải đối diện, trong đó có Việt Nam. Do BĐKH, nước ta thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đô thị biển ứng phó biến đổi khí hậu - hướng đi bền vững ở Phan Thiết. 

Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với BĐKH, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế. Công tác tuyên truyền về phòng, chống và thích ứng với BĐKH thời gian qua đã được triển khai tích cực, qua đó, tính chủ động, năng lực ứng phó, thích ứng của chính quyền, doanh nghiệp, người dân ngày càng được nâng lên. 

Cần những thông điệp tuyên truyền mạnh mẽ hơn

Để công tác ứng phó BĐKH đạt kết quả; để các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước được hiện thực hóa vào cuộc sống; để mỗi người dân, doanh nhân, cán bộ, đảng viên có nhiều hành động chuẩn mực hơn nữa cùng cộng đồng chống BĐKH, góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung chuyển tải toàn diện, mạnh mẽ, tích cực hơn nữa các thông điệp quan trọng sau:

Một là, thông tin cảnh báo nguy cơ cần mạnh mẽ, thường xuyên hơn nữa, làm cho cộng đồng xã hội thấy rõ hơn mối quan hệ giữa hiện tượng - nguyên nhân - tác hại, bản chất của BĐKH và tính cấp bách cần phải hành động ngay.

Hai là, chuyển tải mạnh mẽ ý nghĩa, tầm quan trọng, mối quan hệ giữa BĐKH với nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Ba là, phân tích sự nhất quán, khả năng dự báo, sự phù hợp với quy luật khách quan, xu thế phát triển của thời đại và điều kiện cụ thể của Việt Nam thể hiện trong các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các cam kết, chương trình hành động, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BĐKH.

Bốn là, làm rõ nỗ lực của Chính phủ trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, thành cơ chế vận hành và bộ máy thực hiện. Đặc biệt, phải thể hiện được quyết tâm, tinh thần quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26.

Năm là, nêu gương, tôn vinh những điển hình tiên tiến. Thông qua tuyên truyền chương trình hành động, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền và các hoạt động hưởng ứng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đối với BĐKH, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến; đặc biệt chú ý cổ vũ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức tự giác trong cộng đồng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của báo chí, doanh nghiệp và cộng đồng  

Đối với báo chí, cần nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BĐKH và ứng phó với BĐKH. Thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với mọi người dân, động viên, cổ vũ mỗi người dân và cộng đồng thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về BĐKH. Thông tin, tuyên truyền các thông điệp về phòng, chống BĐKH; chú ý truyền thông các hoạt động thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số, từng bước thay thế cho tài nguyên tự nhiên trong phát triển kinh tế - xã hội… Phản ánh xu hướng hành động bảo vệ khí hậu hiện nay trên thế giới, những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý và khả năng thích ứng hữu ích cho Việt Nam. Phản ánh kịp thời, đa chiều, tham gia đấu tranh chống các hành động hủy hoại môi trường, làm gia tăng tác hại của BĐKH. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về BĐKH, chú ý đến nhóm đối tượng độc giả để lựa chọn phương thức phù hợp; sáng tạo trong việc thể hiện thông điệp tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, định hướng dư luận, tạo hiệu ứng lan tỏa cao. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan chuyên môn về BĐKH để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ truyền thông về BĐKH. 

Đối với doanh nghiệp, không chỉ làm kinh tế, thu lợi nhuận và đóng thuế, mà còn phải thể hiện vai trò và đạo đức doanh nghiệp của mình trong các vấn đề chung của xã hội, của đất nước, trong đó có vấn đề chống BĐKH. Hiện nay, không ít doanh nghiệp chưa có nhiều động lực tham gia ứng phó với BĐKH dù hầu hết các doanh nghiệp đều đã từng chịu tác động của thiên tai, tổn thất về kinh tế. Sự tham gia của doanh nghiệp trong ứng phó với BĐKH mới tập trung vào các hoạt động khắc phục, phục hồi sau thiên tai. Rất ít doanh nghiệp đầu tư giảm thiểu rủi ro trước khi thiên tai xảy ra trong hoạt động thích ứng với BĐKH mà đây mới là giải pháp bền vững và lâu dài. Nhận thức về BĐKH của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, chưa quan tâm tới bảo vệ môi trường, chưa thực hiện mô hình sản xuất và tiêu dùng nhằm phát thải các-bon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam khi muốn thâm nhập vào thị trường có giá trị cao cần có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, quyền lợi của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nếu có những tiêu chuẩn liên quan đến tác động của BĐKH. Doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ: Ứng phó với BĐKH là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững và doanh nghiệp phải thực hiện những hành động cụ thể trong ứng phó với BĐKH, chung tay cùng Chính phủ và nhân dân trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH. Các hành động cụ thể của doanh nghiệp, như: Tuân thủ pháp luật môi trường và các tiêu chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng trong sản xuất; lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh; có các hành động, chương trình cụ thể phòng, chống BĐKH; tham gia các sáng kiến của ngành, khu vực về phòng chống BĐKH; thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng; đầu tư, ứng dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các biện pháp, mô hình các-bon thấp, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu trong sản xuất, kinh doanh. 

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về BĐKH, trong đó có việc bổ sung và làm rõ các quy định trách nhiệm của doanh nghiệp với nhiệm vụ chống BĐKH; đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thải lớn; thúc đẩy cơ chế hợp tác, khuyến khích doanh nghiệp tích cực bảo vệ môi trường; tăng cường giám sát thực thi luật pháp môi trường của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hợp lý; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi để đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường; nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện khung chính sách nhằm thực hiện các mô hình kinh tế mới…

Đối với cộng đồng, mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư phải có ý thức trách nhiệm tham gia chống BĐKH, bắt đầu từ những việc nhỏ trong đời sống hàng ngày; phát triển rừng và lâm nghiệp bền vững; sử dụng sản phẩm, dịch vụ dùng năng lượng sạch, phát thải ít các-bon, thân thiện môi trường và nhiều hoạt động thiết thực khác …Tích cực tham gia các chương trình truyền thông quốc gia, các lớp tập huấn cho chính quyền các cấp, tổ chức xã hội và cộng đồng để nâng cao nhận thức, thông tin về BĐKH; về các cam kết tại Hội nghị COP 26, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện của Chính phủ, chương trình hành động của chính quyền địa phương… Tham gia các lớp hướng dẫn, phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng về phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó khi có tình huống thiên tai nghiêm trọng, phức tạp. Có ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, tri thức địa phương, vai trò của nghệ nhân trong ứng phó với BĐKH; sáng tạo trong thực hiện các hoạt động, mô hình ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tái tạo, sử dụng năng lượng sạch, thích ứng với BĐKH và ít phát thải khí nhà kính, mô hình cộng đồng thích ứng với BĐKH, mô hình cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính… 

Đặc biệt, đối với học sinh, sinh viên cần tích cực tham gia các chương trình giáo dục, các cuộc thi tìm hiểu về BĐKH; xây dựng lối sống thân thiện với thiên nhiên, góp phần hình thành lối sống văn minh, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất…/. 

 
Nguyễn Thị Thu Hoài
183 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1379
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1379
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87165190