|
Ảnh minh họa |
Hoàn thành và về đích sớm hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thực hiện Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ giai đoạn 2021-2020, công tác CCHC của Thủ đô luôn được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao. Quá trình triển khai đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở.
Trải qua chặng đường 10 năm, công tác CCHC đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật, tạo chuyển biến rõ nét, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực CCHC. Nhiều sáng kiến, cách làm hay mang tính đột phá, tiên phong được thành phố thí điểm triển khai, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ nhân dân, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Chính vì vậy, chỉ số CCHC của Hà Nội có chuyển biến tích cực, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 9/63 tỉnh trong 2 năm liên tiếp 2018, 2019.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã hoàn thành và về đích sớm hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ (giai đoạn 2011-2020), góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của Thủ đô. Nhiều lĩnh vực có chuyển biến tích cực như quản lý đô thị, chiếu sáng, cây xanh, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ phát triển…
Đặc biệt là vấn đề sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, Hà Nội có số lượng đầu mối tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ trước sắp xếp lớn, gồm 54 cơ quan hành chính, 2.787 đơn vị sự nghiệp, 584 xã, phường, thị trấn, 7.968 thôn, tổ dân phố, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp là 153.875 biên chế. Với tốc độ đô thị hóa cao, các tồn tại về số lượng đầu mối tổ chức, đơn vị, số lượng cấp phó từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) vẫn còn, do vậy, để sắp xếp tổ chức bộ máy giai đoạn 2011-2020 hiệu quả, đòi hỏi Hà Nội phải nỗ lực rất nhiều, cùng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, UBND Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt giai đoạn 2011-2015 và đặc biệt giai đoạn 2015-2020 theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết số 18, 19 Trung ương 6 khóa XII. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, được Trung ương và dư luận đánh giá cao. Theo Nghị quyết số 18 và 19, đến năm 2021 phải giảm đầu mối bên trong, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế tối thiểu 10% so với năm 2015. Đến hết năm 2020, Hà Nội đã hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu như giảm 29% phòng thuộc sở (65 phòng), giảm 10,4 % đơn vị sự nghiệp (290 đơn vị), giảm 34% thôn, tổ dân phố (2.708 thôn tổ dân phố). Hoàn thành chỉ tiêu giảm 10% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức và 10% chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Tiết kiệm ngân sách chi lương đối với 18.403 biên chế, chi phụ cấp chức vụ đối với 471 lãnh đạo quản lý.
Nhiều cách làm hay của Hà Nội đã được Trung ương ghi nhận và cụ thể hóa để nhân rộng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW như sáp nhập 3 đơn vị trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, đài truyền thanh cấp huyện; sáp nhập 2 đơn vị trung tâm y tế và trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình cấp huyện… Đặc biệt, Thành phố đã chủ động, sáng tạo, đề xuất các mô hình mới: Thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện, thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với quy định chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác thống nhất, chặt chẽ, tránh trùng chéo, phù hợp với đặc thù của Thủ đô.
Cắt giảm hơn 25% TTHC để thúc đẩy phát triển sản xuất
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng cho biết, trong 10 năm qua công tác CCHC được tỉnh xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ, giải pháp đột phá và được chỉ đạo quyết liệt sâu sát, tạo chuyển biến rõ nét trong người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ của tỉnh cũng đã hoàn thành, không chỉ tập trung vào công khai minh bạch, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, mà còn cắt giảm thời gian, giải quyết thủ tục hành chính cao hơn so với trung bình và chú trọng ban hành các thủ tục nội bộ trong phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để tạo thuận lợi trong các thủ tục liên quan.
Đối với ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành, Lai Châu đã chú trọng và tăng cường giữa các hệ thông văn bản chỉ đạo, điều hành liên thông đến các xã và tổ chức họp trên các phần mềm trực tuyến, các phần mềm không giấy tờ và giải quyết công việc qua môi trường mạng. Đặc biệt, qua dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy hiệu quả của CNTT một cách rõ nét.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề xuất 3 kiến nghị với Trung ương về cải cách thủ tục hành chính. Trong đó nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng thể chế cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật mạnh mẽ hơn nữa để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, với các ngành nghề, để tích hợp chia sẻ dữ liệu chung cần được tăng cường và xây dựng phần mềm dùng chung, nhất là phần mềm liên thông các dữ liệu để đảm bảo an toàn thông tin và tránh gây lãng phí.
Tỉnh Lai Châu là địa bàn biên giới, hạ tầng viễn thông và ứng dụng CNTT cần được quan tâm để tạo sự đồng bộ. Lai Châu có rất nhiều xã chưa có sóng di động và hòa mạng internet, nên sẽ không tương thích để ứng dụng dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4. Ngoài ra, với đặc thù miền núi nên tỉnh cần phải có hạ tầng viễn thông thật tốt để kịp thời phản ứng với các sự kiện. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh mong được Trung ương và doanh nghiệp quan tâm xây dựng hạ tầng viễn thông cho tỉnh, cũng như các tỉnh miền núi khác.
Thiện Tâm