Bước đột phá từ “Một cửa, một lần dừng” 

Biên phòng - Qua 5 năm vận hành, mô hình kiểm tra, kiểm soát “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Densavan (Lào) đã tạo ra nhiều hiệu quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính. Trong quá trình thực tiễn thực hiện mô hình vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập. Song mô hình “Một cửa, một lần dừng” đã tạo nên bước đột phá mới và đem lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thông thoáng cho hành khách, phương tiện, hàng hóa xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu hai nước Việt Nam - Lào.

8yhf_19a

Quang cảnh cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng năm 2003, 6 nước gồm: Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar ký kết hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và người qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (gọi tắt là Hiệp định GMS), có hiệu lực triển khai thực hiện từ ngày 31-12-2003. Ngày 25-3-2005, Việt Nam và Lào đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về triển khai thực hiện ban đầu Hiệp định GMS tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) – Densavan (Lào).

Ngày 26-6-2014, tại Vientiane, được sự ủy quyền của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Công an Lào, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam và Tổng cục An ninh Lào đã ký kết thỏa thuận về phối hợp kiểm tra, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh theo mô hình “Một cửa, một lần dừng” với 4 bước cụ thể tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan. Theo đó, bước 1: Các bên ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp để cùng nhau kiểm tra hàng hóa một lần tại khu vực kiểm tra chung của nước nhập cảnh. Bước 2 và bước 3: Các cơ quan Hải quan và Kiểm dịch thực vật của hai nước phối hợp làm việc với nhau thực hiện các thủ tục liên quan tại nước nhập. Bước 4: Thực hiện đầy đủ tất cả các thủ tục kiểm tra một cửa, một lần dừng. Ngày 6-2-2015, tất cả các cơ quan có thẩm quyền tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen-sa-vẳn đã chính thức triển khai thực hiện.

Việc thực hiện cơ chế “một cửa” giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh không chỉ mang lại kết quả có ý nghĩa tầm quốc gia trong xu thế hội nhập khu vực và cải cách hành chính trong lĩnh vực Hải quan, mà còn đem lại kinh nghiệm thực tiễn bổ ích ở tầm quốc tế đối với cơ chế “một cửa” và sau này là cơ chế “Một cửa quốc gia - NSW”, “Một cửa ASEAN - ASW”...

Quá trình thực hiện mô hình, bước đầu đã góp phần tích cực trong việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch và thúc đẩy giao thương giữa biên giới hai nước Việt Nam – Lào. Qua đó, giúp cho hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet phát huy được vai trò là đầu cầu trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và của các cơ quan chức năng tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Densavan nói riêng.

Nhờ tiến hành bước 4 trong mô hình kiểm tra, kiểm soát “Một cửa, một lần dừng”, các cơ quan quản lý chuyên ngành của hai bên đã gần như đồng thời triển khai tất cả các thủ tục liên quan tại nước nhập. Vì vậy, công việc được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, rút ngắn được 40- 50% thời gian chờ đợi, di chuyển và làm thủ tục tại cửa khẩu, tạo sự minh bạch trong hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu. Lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh hai nước cùng làm việc tại cửa khẩu của bên nhập cảnh nên việc trao đổi thông tin, cũng như xử lý các vụ việc xảy ra liên quan đến hai bên được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Trong thời gian triển khai mô hình, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho 2.775.419 lượt người, 427.000 lượt phương tiện với 2.575.000 tấn hàng hóa đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 1.194 triệu USD, thu ngân sách Nhà nước đạt 1.2091,1 tỷ đồng... Cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu đã được làm mới, nâng cấp nhiều hạng mục quan trọng như: Công trình cầu Xà Ợt 2, công trình mở rộng địa điểm kiểm tra chung tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo... với tổng mức đầu tư 141,25 tỷ đồng và 10,3 tỷ kíp Lào. Hệ thống trang thiết bị chuyên ngành được đầu tư đồng bộ hơn bao gồm: 1 hệ thống camera quan sát cho Biên phòng; 1 máy kiểm tra thân nhiệt cho kiểm dịch y tế; 2 kính hiển vi cho kiểm dịch động vật và thực vật; 1 máy nổ dự phòng, 1 hệ thống âm thanh loa máy phòng họp và bàn ghế...

5p1e_19b

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cán bộ Công an cửa khẩu Densavan kiểm tra chung tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Densavan. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần có giải pháp tháo gỡ từ các cấp vĩ mô để mô hình được triển khai tốt hơn. Ví dụ như, theo bản đính kèm 1 của Biên bản ghi nhớ ký ngày 25-3-2005 giữa đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào đã thống nhất về nguyên tắc và trình tự thủ tục kiểm tra bước 1 đến bước 4 đối với mô hình “Một cửa, một lần dừng” cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan, nhưng hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Lào vẫn chưa ký được MOU. Do đó, ngành y tế của hai bên chưa có cơ sở và điều kiện để phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, do thực hiện mô hình kiểm tra, kiểm soát “Một cửa, một lần dừng” kéo dài từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, trong bối cảnh phải thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, nên hầu hết các ngành chức năng của hai bên đều thiếu nhân sự bố trí cho các ca trực. 

Hiện tại, mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp sửa chữa, nhưng nhìn chung, đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát theo mô hình “Một cửa, một lần dừng” của cả hai bên Việt Nam - Lào vẫn chưa thực sự đồng bộ.

Nguyễn Thành Phú

1921 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1068
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1068
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87074168