Bước đột phá trong tư duy xóa đói, giảm nghèo 

(Chinhphu.vn) - Các chương trình tín dụng chính sách xã hội được ban hành thể hiện sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, đó là chuyển cách làm từ “cho con cá bằng đưa cần câu” cho người nghèo.

 

Sáng 23/9, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Điểm tựa cho người nghèo

Là người được thụ hưởng chính sách, bà Nguyễn Thị Quyến, thôn An Hội Bắc, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định chia sẻ, trước đây gia đình bà thuộc diện hộ nghèo. Bà đã tham gia vào Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn An Hội Bắc và được bình xét cho vay 30 triệu đồng để nuôi bò sinh sản, từ hai con bò cái, gia đình bà đã phát triển lên 4 con.

Quyết tâm tạo thêm nguồn vốn lâu dài, năm 2018, sau khi trả hết số vốn vay chương trình hộ nghèo, bà mạnh dạn đề nghị vay tiếp 30 triệu đồng từ chương trình vay hộ mới thoát nghèo để mở rộng chăn nuôi bò sinh sản và trồng thêm 2,5 ha keo. Nhưng, khó khăn ập đến khi đứa con đầu bước chân vào giảng đường đại học cũng là lúc chồng bà bị tai nạn và ra đi mãi mãi.

Từ một gia đình bình thường, giờ mất đi trụ cột lao động chính, kinh tế gia đình bà bấp bênh, luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, hai đứa con có nguy cơ phải bỏ dở việc học. Tuy nhiên, nhờ được Ngân hàng cho vay theo chương trình tín dụng học sinh - sinh viên, hai con của bà đã tốt nghiệp đại học đạt bằng giỏi và có việc làm ổn định. Kinh tế gia đình cũng bảo đảm.

Góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Không chỉ có gia đình bà Quyến, những năm qua, vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc để phục vụ người nghèo. Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng, Giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng.

Nguồn vốn này đã góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775 nghìn lao động; gần 200 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh - sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

Đến hết tháng 8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Đột phá trong tư duy giảm nghèo

Cho biết những năm qua, các cấp Hội Nông dân luôn đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được ban hành thể hiện sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, đó là chuyển cách làm từ  “cho con cá bằng đưa cần câu” cho người nghèo.

Theo ông Định, việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách đã thúc đẩy họ tìm cách làm ăn, sử dụng vốn có lợi nhất, bớt dần sự ỷ lại để vươn lên thoát nghèo.

Lãnh đạo Hội Nông dân cho biết, 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách được ủy thác qua Hội đã giúp cho trên 3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; 132.472 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo việc làm cho trên 12 nghìn lượt lao động, trên 2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường và hơn 115 nghìn căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng,… góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 từ 5,97% xuống còn 5,5% vào cuối năm 2018 và thiết thực đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Cần cho vay sản xuất theo chuỗi

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đánh giá chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo sự thay đổi lớn cho bộ mặt vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn. Đây là một trong 4 trụ cột quan trọng để giảm nghèo (đất đai, sức lao động, trí lực và điều kiện hạ tầng kinh tế, tín dụng).

Đề cập đến định hướng tới đây, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cho vay dự án phát triển sản xuất theo chuỗi phải trở thành hệ thống chính sách; gắn cho vay với các hoạt động tổ chức sản xuất, tập huấn phải gắn với cầm tay chỉ việc.

Bên cạnh đó, các mô hình liên kết cho vay tín dụng sản xuất phải đi theo hướng hỗn hợp gồm cả hộ giàu, hộ khá, hộ nghèo; có chính sách tín dụng phù hợp cho từng vùng, lưu ý đối với một số vùng khó khăn cần áp dụng chính sách tín dụng linh hoạt, tín dụng nhỏ; giảm hỗ trợ có điều kiện./.

270 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 780
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 780
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87234245