Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị khóa XIII ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” (viết tắt là Nghị quyết 57). Đây là một quyết sách mang tính cách mạng mạnh mẽ, một trong những chủ trương chiến lược thể hiện bước đột phá trong tư duy phát triển của Đảng ta trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mặc dù Nghị quyết 57 không thay thế các nghị quyết của Trung ương trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, nhưng trên cơ sở phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan việc tổ chức thực hiện các chủ trương, quyết sách trên lĩnh vực này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khẳng định những kết quả đã đạt được, góp phần quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết cũng nêu quan điểm chỉ đạo gồm thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ những hạn chế, tồn tại, có mặt trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển: “…Tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và Nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức”.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị không những tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số đối với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn thể hiện tính đột phá trong tư duy phát triển về KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trước hết và cơ bản là đối với sự phát triển kinh tế - xã hội2.
Nghị quyết 57 ra đời trong bối cảnh đất nước cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tính đột phá trong tư duy phát triển về KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia thể hiện trong Nghị quyết 57 là:
Thứ nhất, Nghị quyết 57 thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trước Cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu chính của Nghị quyết 57 tập trung vào việc giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng các nguồn lực khác nhau của xã hội để tập trung cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới phương thức làm việc, tích lũy tư liệu sản xuất mới dựa trên dữ liệu, từ đó đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia có thu nhập cao, phát triển bền vững.
Thứ hai, Nghị quyết 57 là một bước tiến lớn khi xác định rõ thực trạng, định hướng chỉ đạo cùng những yêu cầu cấp bách trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên và khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo như: Đầu tư tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính và khuyến khích hợp tác công - tư. Tầm nhìn này hướng tới việc tháo gỡ các rào cản lâu nay trong hệ thống, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Điểm nổi bật được quan tâm là các chủ trương thúc đẩy hợp tác công tư về phát triển công nghệ chiến lược, tạo cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và bố trí nguồn lực, tạo đà cho khoa học công nghệ phát triển.
Thứ ba, 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 57đưa ra là sự tổng hòa giữa các yếu tố nền tảng và các yếu tố đột phá. Trong đó, tư tưởng đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo được nhấn mạnh là yếu tố rất quan trọng, quyết định cho thành công của Nghị quyết. Nghị quyết có tính định hướng chiến lược rõ ràng, đặt khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển đất nước. Điều này không chỉ thể hiện sự công nhận mà còn khích lệ, động viên giới trí thức, nhà khoa học cảm thấy tự hào và ý thức trách nhiệm cao hơn, tạo động lực để tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển quốc gia.
Tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 57 trước hết là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển.
Nghị quyết 57 đánh dấu bước đột phá về tư duy của Đảng trong việc tìm hướng phát triển cho đất nước, ngăn chặn sự tụt hậu, là con đường sống còn của dân tộc ta. Với các trí thức, nhà khoa học, Nghị quyết 57 như một luồng sinh khí mới, một "khoán 10"3 cho hành trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam. Đồng thời đáp ứng mong mỏi về nhiều nội dung thể hiện một cách tiếp cận chiến lược, tổng thể, bao trùm, cụ thể, thực chất, toát lên tinh thần vì con người, vì khát vọng phát triển của đất nước.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xác định rõ trách nhiệm, triển khai thực hiện.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm, thời gian tới, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./. Phan Văn Lãn