Bước đột phá lớn cho kinh tế biển 

(ĐCSVN) - Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ tạo bước đột phá lớn cho kinh tế biển. Đặc biệt, Việt Nam sẽ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có quy hoạch bài bản về kinh tế biển.

 

Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260km và hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trung bình 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần giá trị trung bình của thế giới. Kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Nếu Quy hoạch không gian biển quốc gia được thông qua sẽ tạo bước đột phá rất lớn cho kinh tế biển. Đặc biệt, Việt Nam sẽ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có quy hoạch bài bản về kinh tế biển.

Quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ tạo bước đột phá lớn cho kinh tế biển 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Quy hoạch vùng bờ và quy hoạch không gian biển sẽ mở ra cơ hội khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng gió biển như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng để đạt mục tiêu về khí hậu của Việt Nam. Quy hoạch vùng bờ cũng sẽ giúp đảm bảo phát triển tối ưu và hài hòa giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên ven biển của Việt Nam, cũng như bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng khẳng định, trong quy hoạch có nêu bật tầm quan trọng của kinh tế hàng hải, theo đúng tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW, trong đó có yêu cầu phải phát triển logistics, cảng biển, cảng nước sâu, cảng cạn, khu vực hậu cần...

Quy hoạch chỉ ra được các lĩnh vực kinh doanh cũng là cách tạo hành lang pháp lý, nhưng hiện nay chưa đề cấp đến phần kinh tế ngoại quan trên biển. Đây là ngành mang lại nguồn thu rất lớn, và là một khâu quan trọng trong chuỗi logistics, nếu “ngắt” chuỗi logistics thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thiệt thòi.

Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được biểu quyết thông qua là một bước quan trọng trong việc thiết lập khung pháp lý và định hướng phát triển không gian biển quốc gia trong thời gian tới. Một số điểm nổi bật của Nghị quyết này bao gồm:

Xác định mục tiêu, định hướng phát triển không gian biển bền vững, hiệu quả, góp phần thực hiện Chiến lược Phát triển Bền vững Biển Việt Nam.

Phân vùng không gian biển quốc gia thành các khu vực chức năng như bảo tồn, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, dựa trên cân nhắc các giá trị sinh thái, kinh tế, xã hội.

Đề ra các giải pháp cụ thể về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển không gian biển.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển một cách bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế biển và ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: TTXVN 

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - đơn vị với vai trò then chốt trong việc quản lý, quy hoạch và phát triển không gian biển đã nhận định: “Quy hoạch Không gian biển Quốc gia là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về biển theo cách tiếp cận tổng hợp; là quy hoạch mang tính khung, tổng thể, tích hợp, đa ngành, động và mở; dẫn dắt; cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, giá trị tự nhiên - văn hóa - lịch sử và chất lượng môi trường trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam.”./.

 

 
Xuân Lộc
21 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 350
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 350
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 81015106