Hiệp định CPTTP đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng của các nước đối tác. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường của các thành viên đã thực thi CPTTP có tốc độ tăng trưởng so với các năm trước. Xuất khẩu tập trung vào các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; thủy sản, dệt, may. Đặc biệt, các thị trường mới trong CPTTP mà lần đầu tiên có FTA với Việt Nam là Canada và Mexico có mức tăng trưởng ở mức 02 con số ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Nếu tổng xuất siêu của Việt Nam sang tất cả các thị trường trong năm 2019 đạt xấp xỉ 10 tỷ USD thì riêng xuất siêu sang các nước CPTTP đã đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 40%.
Những lợi ích CPTTP mang lại đi liền với những thách thức đáng kể. Sự chủ động trong vấn đề thực thi và thay đổi tư duy quản lý đã có bước cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được các đòi hỏi của giai đoạn hiện nay. Nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn lực dành cho hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn hạn chế. Một số tỉnh, thành vẫn chưa thực sự chủ động quan tâm đến các cơ hội mà Hiệp định CPTTP có thể mang lại cho doanh nghiệp; chưa có nhiều hoạt động nhằm phổ biến, tuyên truyền cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực hấp thu các FTA nói chung và Hiệp định CPTTP nói riêng của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, cần được cải thiện hơn ở trình độ quản lý, công nghệ và các kỹ năng cần thiết khác; năng lực cạnh tranh ở một số ngành còn chưa được cải thiện, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành để tăng năng lực cạnh tranh chưa cao.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với 8.600 doanh nghiệp về sự quan tâm đến CPTTP thì có tới 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTTP. Khảo sát này cũng chỉ ra khó khăn, cản trở lớn nhất là để tận dụng CPTTP như 84% doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; 81,48% doanh nghiệp thấy bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước.
Nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tối đa hóa lợi ích và tối thiêu hóa thách thức từ Hiệp định CPTTP, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh việc đôn đốc, điều phối các Bộ, ngành triển khai đầy đủ và đúng thời hạn các hoạt động đã đề ra trong Kế hoạch thực hiện CPTTP của Chính phủ và của từng Bộ, ngành, địa phương. Đồng thơi, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung và các cam kết của Hiệp định CPTTP dưới nhiều hình thức, tập trung sâu hơn về nội dung, mức độ và phạm vi cam kết, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin theo từng lĩnh vực cụ thể của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Bộ Công Thương sẽ chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các văn bản pháp luật cần thiết để thực thi Hiệp định CPTTP; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam, sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định hoặc các cơ chế khác cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Thanh Lan