Bức tranh kinh tế 7 tháng nhiều gam màu sáng 

(ĐCSVN) - 7 tháng qua, tình hình kinh tế của Việt Nam tiếp tục phục hồi và khởi sắc trên các lĩnh vực, đáng chú ý là công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 431 tỷ USD, vốn FDI giải ngân duy trì đà tăng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, mạnh...

 

 Infographic sản xuất nông nghiệp 7 tháng 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Có thể nói, sau khi mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện doanh thu và lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú du lịch và vận tải du lịch... Thêm vào đó, bức tranh nông nghiệp 7 tháng năm 2022 có nhiều gam sáng khi nuôi trồng thủy sản có nhiều tiến triển thuận lợi dù chăn nuôi và khai thác hải sản còn gặp khó.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê nêu rõ, tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.021,6 nghìn ha lúa mùa, bằng 92,3% cùng kỳ 2021. Trong khi đó, đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 1.915,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,3% cùng kỳ 2021. Đến nay, phần lớn các trà lúa hè thu đang ở giai đoạn làm đòng đến chín, các trà lúa sớm tập trung ở các tỉnh phía Nam đã cho thu hoạch với diện tích đạt 414,7 nghìn ha, bằng 97% cùng kỳ 2021. Riêng lúa thu đông, tính đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 279,1 nghìn ha lúa thu đông, bằng 98,4% cùng kỳ 2021.

Cũng trong 7 tháng 2022, hoạt động sản xuất lâm nghiệp diễn ra tương đối thuận lợi, khai thác gỗ được triển khai tích cực: Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 134,9 nghìn ha, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2021; diện tích rừng bị thiệt hại là 706 ha, giảm 49,5% so với cùng kỳ 2021.

Sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt 805,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 5.003,1 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2021.

 Infographic sản xuất công nghiệp, đăng ký doanh nghiệp và đầu tư 7 tháng 2022
(Nguồn: Tổng cục Thống kê) 

Số liệu thống kê nêu rõ, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ 2021, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,8% so với cùng kỳ 2021, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Đáng mừng là số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 11,3% so với cùng thời điểm 2021.

Vui mừng hơn nữa là số doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, tháng 7, cả nước có gần 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 0,7% so với tháng trước; tăng 50,7% so với cùng kỳ 2021. Cả nước còn có 2,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, cả nước có 133,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ 2021; bình quân một tháng có 19,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

 Infographic Tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ, xuất nhập khẩu và chỉ số giá 7 tháng 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)  

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2022 có 67 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 313,8 triệu USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ 2021; có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 44,9 triệu USD, giảm 89,4%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 358,8 triệu USD, giảm 37,1% so với cùng kỳ 2021.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 486 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ 2021, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2021.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2021. Cán cân thương mại hàng hóa, tháng 7 ước tính xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 764 triệu USD.

 Infographic vận tải hành khách, hàng hóa, khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)  

Thêm một tín hiệu lạc quan nữa là hoạt động vận tải trong tháng 7 diễn ra nhộn nhịp với những kết quả tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Trong đó, vận chuyển hành khách gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,9 lần so với cùng kỳ 2021; vận tải hàng hóa tăng 79% về vận chuyển và tăng 64,3% về luân chuyển. Tính chung 7 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 20,5% so với cùng kỳ 2021, luân chuyển hành khách tăng 37,1% và vận chuyển hàng hóa tăng 16,1%, luân chuyển hàng hóa tăng 22,9%.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ.

Chính phủ đã cam kết sẽ tập trung điều hành đồng bộ, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, thực hiện hiệu quả “thích ứng linh hoạt” với dịch bệnh với mong muốn từ nay đến cuối 2022 hoàn thành đạt và vượt các định mức chỉ tiêu đề ra, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và từng bước lấy lại đà tăng trưởng./.

 
Lê Anh
260 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 920
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 921
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78001245