Trong bức ảnh này (do tác giả Đoàn Công Tính phía Quân đội Nhân dân Việt Nam chụp), đội thông tin vô tuyến điện của một đơn vị quân giải phóng Việt Nam được chụp ảnh khi họ tham gia tấn công một vị trí ở Quảng Trị vào năm 1970. Một quả đạn pháo vừa phát nổ ở ngay hậu cảnh và có 3 người lính lao về phía trước qua màn khói lửa. Ở tiền cảnh, một quân nhân đang ngắm mục tiêu phía trước để yểm trợ cho đồng đội, còn 2 người còn lại với gương mặt chăm chú nghiêm nghị đang cố gắng sử dụng điện đài giữa sự hỗn loạn của trận đánh.
|
Đội điện đài quân giải phóng Việt Nam ở khu vực Quảng Trị năm 1970. Ảnh: Đoàn Công Tính. |
Tỉnh Quảng Trị, lúc đó còn nằm trong vùng kiểm soát của chế độ “Việt Nam Cộng hòa”, đã là mục tiêu công kích lớn trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy vào tháng 1/1968 (Tết Mậu Thân). Khi đó các lực lượng cách mạng đã chiếm được tỉnh lỵ - thị xã Quảng Trị.
Sau đó vào năm 1972, thị xã này lại một lần nữa nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng quân sự cách mạng trong một thời gian ngắn. Phải đến năm 1975, toàn bộ tỉnh Quảng Trị mới hoàn toàn “thất thủ”.
Các nhà báo ảnh Mỹ, Anh và Pháp đã chụp nhiều bức ảnh phản ánh cuộc Chiến tranh Việt Nam – những bức ảnh được cả thế giới xem.
Nhiếp ảnh gia phương Tây Patrick Chauvel – người đã giúp công chúng thế giới biết về các bức ảnh chiến tranh do người Việt Nam chụp như thế này, nhận xét: “Các tay máy phương Tây muốn thể hiện sự khủng khiếp của chiến tranh và muốn chấm dứt cuộc chiến tranh này. Nhưng các bức ảnh này [ý nói các bức ảnh do phía Việt Nam chụp] thì muốn chứng minh rằng họ có thể đánh bại người Mỹ và có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh đó”.
Tác giả những bức ảnh phía Việt Nam này cũng là những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mục đích của họ là cung cấp các thông tin tích cực về bước phát triển trong cuộc đấu tranh của họ./.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: military-history.org