Ngày 7.9, Sở GTVT Quảng Trị cho biết đã có văn bản nêu quan điểm: "Người dân dùng đường BOT chừng nào thì trả tiền chừng đó", đồng thời đề xuất giảm phí qua trạm BOT Quảng Trị cho người dân địa phương từ 20-70%.
Cùng ngày, PV Dân Việt có cuộc trao đổi với ông Hoàng Gia Đại - Giám đốc BOT Quảng Trị.
Mức phí ở trạm BOT Quảng Trị gây bức xúc, dẫn đến một số tình huống gây gỗ, to tiếng tại trạm. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Đại cho biết, BOT Quảng Trị thực hiện thu phí theo hợp đồng đã ký. Ý kiến đề xuất của địa phương như thế nào thì đơn vị đều ủng hộ, còn quyết định giảm phí hay không, giảm như thế nào là quyền của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT).
Theo ông Đại, BOT Quảng Trị đặt trạm hở chứ không phải đặt trạm kín nên việc thu phí tất nhiên sẽ không có sự công bằng.
Trạm kín nghĩa là nhà đầu tư đặt hai trạm chốt hai đầu ở một chặng đường nhất định để thu phí. Trong khi đó, trạm hở chỉ đặt một chốt trạm để thu phí nên không thể tính phí theo km.
“Thu phí ở trạm hở không thể công bằng đối với từng phương tiện tham gia trên đường BOT”, ông Đại nói.
Hàng ngày có khoảng 1.000 lượt phương tiện chạy vào đường làng xã Triệu Giang (Triệu Phong) né trạm thu phí. Ảnh: Ngọc Vũ
PV hỏi: “Giả sử phương án giảm mức thu phí qua trạm BOT Quảng Trị như Sở GTVT Quảng Trị đề xuất không được Tổng cục Đường bộ thông qua, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ đề xuất phương án di dời trạm thu phí đặt tại huyện Hải Lăng (ranh giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) thì có ảnh hưởng đến hoạt động thu phí không?". Ông Đại trả lời: “Không ảnh hưởng gì”.
Tuy nhiên, theo ông Đại, dời trạm vào Hải Lăng thì người dân cũng phản đối vì trạm BOT không nằm trên dự án (BOT Quảng Trị chỉ đầu tư từ Dốc Miếu, huyện Gio Linh đến phía bắc cầu Thạch Hãn, TX.Quảng Trị). Đường từ cầu Thạch Hãn đến hết huyện Hải Lăng do vốn ngân sách nhà nước đầu tư.
Theo ông Đại, nếu dời trạm thì phải đầu tư xây dựng trạm thu phí mới, làm tăng chi phí đầu tư, kéo theo phải cân đối việc thu phí để nhà đầu tư thu hồi vốn. Năm 2011-2012, Trạm BOT Quảng Trị đang tồn tại được xây dựng với số tiền khoảng 22 tỷ đồng, nay chắc chắn sẽ cao hơn.
Người dân lập barie chặn xe tải nặng nhưng bị húc cong. Ảnh: Ngọc Vũ
Được biết, đoạn đường quốc lộ 1 (BOT) đi qua địa bàn TP.Đông Hà và thị trấn Ái Tử (Triệu Phong) chỉ nâng cấp (làm vỉa hè, cột đèn, dải phân cách, thảm nhựa một số hư hỏng nhỏ) chứ không xây mới, mở rộng.
Một nguồn tin của PV Dân Việt cho biết, 6 tháng đầu năm 2017 có 300.000 lượt xe mang biển số 74 (Quảng Trị) đi qua trạm BOT Quảng Trị phải nộp phí hơn 12 tỷ đồng.
Cũng theo nguồn tin này, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 lượt phương tiện cả nước đi qua trạm BOT Quảng Trị và đóng phí khoảng 500 triệu đồng.
Đại tá Trần Đức Việt - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị - cho hay, người dân vô cùng bức xúc vì giá phí phải nộp khi qua trạm BOT Quảng Trị dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Đại cho hay, trạm BOT Quảng Trị đã xảy ra tình trạng tài xế gây gổ, to tiếng nhưng không kéo dài.
Ông Hoàng Thế Ngọc (tài xế xe tuyến Đông Hà - TP.Huế) cho biết, mức giảm 70% cho phương tiện trú TP.Đông Hà là hợp lý, đáng hoan nghênh.
Trước đó hồi đầu tháng 8.2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Tổng cục Đường bộ đề xuất miễn 100% phí cho phương tiện của hai đô thị TP.Đông Hà và huyện Triệu Phong, các địa phương còn lại giảm 50% mức thu phí nhưng không được chấp thuận.
Tổng cục Đường bộ đề nghị Quảng Trị xây dựng lại phương án giảm cho TP.Đông Hà và Triệu Phong từ 50-60% mức phí, các địa phương còn lại chỉ giảm 30-40%.
Được biết, từ ngày 13.12.2016 đến nay, mức thu đối với ô tô con tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt phương tiện.
Theo bảng tính giá thu phí dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1A đoạn từ Dốc Miếu - TP.Đông Hà do Bộ GTVT và Bộ Tài chính phê duyệt, mức thu phí năm 2016 đối với xe con, xe từ 16 ghế trở xuống, xe tải nhẹ là 35.000 đồng/phương tiện; xe từ 17-35 ghế 50.000 đồng; xe trên 35 ghế, xe tải trung 75.000 đồng; xe ô tô 3 trục 140.000 đồng; xe trên 3 trục 210.000 đồng. Năm 2019 sẽ tăng lần lượt là 41.300 đồng; 59.000 đồng; 88.500 đồng; 165.200 đồng và 247.800 đồng. Năm 2022 tăng lần lượt từ 7.000 đến 44.000 đồng/phương tiện. Cứ thế, 3 năm mức phí sẽ tăng một lần. Đến năm 2037-2038, mức phí lần lượt sẽ là 111.492 đồng; 159.274 đồng; 238.911 đồng; 445.966 đồng và 668.950 đồng.