Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhìn nhận, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá rõ nét hơn về các vấn đề. Công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Nhiều vụ việc tham nhũng được đưa ra xét xử thể hiện quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng, Chính phủ, củng cố thêm niềm tin ở nhân dân.
“Đó là những thành tựu thuyết phục và phấn khởi. Tuy nhiên báo cáo cần đánh giá rõ nét hơn về lĩnh vực quốc phòng, an ninh cho tương xứng với nhiệm vụ chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”, ông Thắng đánh giá.
Bên cạnh đó, ĐB đoàn Quảng Trị này cũng nhấn mạnh: "Chúng ta lạc quan nhưng không chủ quan vì tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa qua tích cực, song chất lượng, hiệu quả và tính bền vững chưa cao. Bên cạnh những khiếm khuyết của nền kinh tế đất nước nhiều năm qua chậm được khắc phục thì năm nay chúng ta phải đối diện với những thách thức mới bộc lộ những yếu kém mới.
Ông Thắng dẫn dụ, giá thịt lợn giảm mạnh thấp nhất trong 10 năm qua trở lại đây gây tổn hại nặng nề cho người chăn nuôi. 10 tháng đầu năm đã có hơn 10.000 doanh nghiệp mới thành lập nhưng cũng gần 60% số ấy ngừng hoạt động hoặc đang làm thủ tục giải thể. Nhưng quan trọng hơn là chất lượng quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ bé, sức cạnh tranh thấp, nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn lên doanh nghiệp để trốn thuế. Hay bất cập từ các dự án BOT “như giọt nước tràn ly” làm méo mó hình thức đầu tư được đặt nhiều kỳ vọng.
“Tất cả các vấn đề nêu trên cần được "giải phẫu" để có giải pháp khắc phục”, ông Thắng lưu ý.
Ngoài ra theo ĐB Thắng, công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay là đề tài nóng của công luận và người dân trong xử lý giải quyết một số vụ việc bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm người nhà vừa qua không được truy xét đến cùng, còn xuê xoa, nể nang và nguy cơ chìm xuồng.
“Chúng tôi đề nghị cần có cuộc tổng điều tra, rà soát công tác cán bộ như kiến nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phải tạo ra một quy trình mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, tin cậy để người tài được trọng dụng, những khuất tất phải được xem xét xử lý nghiêm túc”, ông Thắng đề nghị.
"Phép vua vẫn thua lệ làng"
Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế do điều kiện kinh doanh, giấy phép con làm khó doanh nghiệp. Theo ĐBQH Lê Công Nhường hiện có tới 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh được đặt ra cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đại biểu Nhường cũng cho rằng vẫn còn tồn tại tình trạng đoàn kiểm tra gây phiền hà cho doanh nghiệp. Các cuộc khảo sát của VCCI cho thấy nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra một lần/năm. Có khoảng 14% doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 4 lần trở lên/năm và các cuộc kiểm tra có những nội dung trùng lắp, chồng chéo.
Ads by AdAsia
You can close Ad in {40} s
“Đây là điển hình của câu nói phép vua thua lệ làng”, ông Nhường nói.
Bên cạnh đó, theo ông Nhường, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, nên việc thua ngay trên sân nhà ngày càng rõ nét khi hàng rào thuế được dỡ bỏ, điển hình như lĩnh vực sản xuất ô tô, đường, nông sản... Nguyên nhân vì công nghệ của Việt Nam chưa tốt và sản phẩm chất lượng chưa cao; năng suất lao động thuộc loại thấp, bằng 3,8% Singapore, 36,6% so với Thái Lan.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, chủ đề xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động được cử tri đón nhận tích cực và nhiều kỳ vọng nhưng đến nay cần lượng hóa kết quả đạt được.
ĐB Xuân kiến nghị Chính phủ nên có sơ kết và đánh giá việc thực hiện chủ đề này trong thời gian vừa qua, đồng thời đề ra những giải pháp cụ thể và lâu dài nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung này, nhất là nội dung xây dựng Chính phủ kiến tạo phải thực sự tạo được đột phá trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy, trọng tâm là cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước.
LUÂN DŨNG