Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường .(Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhận định ngành gỗ Việt Nam bên cạnh những khó khăn vẫn có cơ hội để bứt phá, vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) có những giải pháp gì để đạt được các mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Để khai thác tiềm năng lợi thế đồ gỗ, ngành hàng gỗ của Việt Nam và khắc phục những khó khăn, tồn tại hiện nay, chúng ta phải tập trung 4 nhóm giải pháp lớn.

Thứ nhất là tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn cho 4.600 doanh nghiệp cùng các cơ sở sản xuất của chúng ta về gỗ và đồ gỗ. Các nhóm chính sách đó bao gồm về tài chính, chính sách an sinh... Với tất cả những nhóm chính sách này, các ngành phải đồng bộ tháo gỡ để tạo điều kiện ngay lập tức cho các doanh nghiệp có thể tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất.

Giải pháp thứ hai chúng ta phải tập trung là khai thác thật nhanh việc khai mở các thị trường tới đây. Trước tình hình đại dịch COVID-19, với các thị trường, khu vực, quốc gia đã khống chế được dịch, chúng ta phải tập trung khai thác ngay được các thị trường này. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra cục diện chung, tổng thể thị trường tốt phù hợp với tình hình diễn biến của đại dịch COVID-19.

Giải pháp thứ ba là tất cả các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để đảm bảo có nguồn lực tốt nhất, điều kiện tốt nhất để khi quý III, quý IV có thời cơ đến, chúng ta “bật lên” để khai thác dư địa còn lại của năm nay, để phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất.

Và giải pháp thứ tư là phải tái cơ cấu ngành hàng theo hướng hiện đại bền vững bằng cả 3 trụ cột. Một là vùng nguyên liệu phải tổ chức lại, xây dựng lại dưới dạng chiến lược phát triển bền vững, đủ sức cung ứng. Thứ hai, ở khu vực chế biến, chúng ta phải hình thành được những tập đoàn lớn, khu công nghiệp lớn về chuyên sản xuất đồ gỗ, mang tầm cỡ khu vực và toàn cầu, đủ sức, đủ lực kể cả công nghệ và tầm quản trị, sản phẩm và thương hiệu để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ nữa là chúng ta phải rà soát lại và củng cố phát triển để có được hình thức thương mại hiện đại, bao gồm cả các thiết chế cứng như: Hội chợ, triển lãm, chợ đầu mối. Và thiết chế mềm là ứng dụng triệt để các công nghệ thông tin, để có thương mại online cùng các hình thức khác, chúng ta áp dụng đồng bộ. Như vậy, chúng ta vừa hình thành, phát triển vùng nguyên liệu bền vững cùng với khu vực tập trung chế biến, công tác thương mại. Trong thương mại, cần chú ý đến khu vực thị trường của gần 100 triệu dân Việt Nam. Đây là một thị trường khổng lồ và tiềm năng, lợi thế rất tốt.

PV: Hiện nay, chỉ mới có một vài tỉnh xây dựng được khu công nghiệp cho ngành gỗ. Về vấn đề này, chúng ta cần giải quyết như thế nào để có được ngành gỗ hiện đại hơn?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm vừa qua, chúng ta xuất khẩu tới 11,38 tỷ USD đồ gỗ và sản phẩm đồ gỗ. Với lợi thế cùng với chiến lược phát triển, chúng ta sẽ phấn đấu để trở thành trung tâm đồ gỗ lớn của thế giới. Và để làm được điều này, rõ ràng có rất nhiều biện pháp. Trong đó có việc hình thành những trung tâm lớn gắn liền với phát triển logistics đồng bộ. Rõ ràng, chúng ta phải xác định những khu vực tiềm năng.

Vừa qua, Nghệ An là một điểm đi đầu. Chúng ta xây dựng một khu vực trung tâm công nghiệp hiện đại công nghệ cao về sản phẩm gỗ cũng như sản phẩm về lâm sản. Trên cơ sở rà soát chiến lược của ngành, cùng với các hiệp hội, ngành hàng, các địa phương và các thành phần kinh tế để phát triển được những trung tâm lớn như vậy. Qua đó, nhằm đảm bảo khai thác triệt để những tiềm năng, những lợi thế của ngành hàng gỗ nói riêng và lâm sản Việt Nam nói chung, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

PV: Hiện nay, có một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận, vậy, sắp tới Bộ NN&PTNT có những biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn về vấn đề này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Những chính sách vừa qua nếu còn có bất cập thì  Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ liên quan. Ví dụ như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục làm rõ những vướng mắc, sẽ được báo cáo, tổng hợp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị các ngành điều chỉnh, làm sao nhanh nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp chúng ta.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

 

 
BT (ghi)