Đó là nhận định của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương. Theo ông Thành, 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã cho Việt Nam nhiều bài học chính sách đắt giá.
Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ trong bối cảnh mới. Chính vì vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo và mục tiêu để tối đa hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài.
Cần định hình lại chức năng của Nhà nước
Theo TS. Võ Trí Thành, bài toán quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là tránh được “bẫy chi phí lao động thấp”, “bẫy thu nhập trung bình” và tạo xung lực mới thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và phát triển nhanh, bền vững.
|
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương. |
“Một hướng đi hết sức quan trọng ở đây là tối đa hóa hiệu quả trong thu hút FDI. Điều này phức tạp hơn nhiều mục tiêu tối đa hóa lượng vốn FDI”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cho rằng để tối đa hóa hiệu quả FDI, trước hết Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực tạo dựng một thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực, thông lệ tốt nhất có thể.
“Vai trò, chức năng nhà nước cần được định hình lại. “Chất” thị trường mạnh hơn, hội nhập sâu rộng hơn đồng nghĩa với sự thu hẹp khả năng sử dụng các công cụ can thiệp truyền thống.
“Nhà nước phải chuyển trọng tâm sang kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, tiên liệu được; thúc đẩy tinh thần kinh doanh khuyến khích đầu tư và đổi mới, chuyển giao công nghệ; cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này vừa tạo sự hấp dẫn FDI có hiệu quả, vừa thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh”, ông Thành phân tích.
Dẫn báo cáo Việt Nam 2035, ông Thành nêu: Bảo vệ quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ (IPRs), đảm bảo cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận các nhân tố sản xuất, và giảm thiểu chi phí giao dịch cho doanh nghiệp là những vấn đề cốt lõi trong tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Những vấn đề này trực tiếp liên quan đến việc hoàn thiện khung pháp lý, quy trình hành chính và xây dựng một bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, có khả năng giải trình và dựa trên chế độ thực tài.
“Những điều này quan trọng hơn nhiều so với các uu đãi thuế. Nhiều nghiên cứu ở Việt Nam cũng cho thấy ưu đãi thuế không phải là nhân tố có nhiều ý nghĩa trong thu hút FDI và trong nhiều trường hợp còn gây ra sự phiền toái không cần thiết”, ông Thành cho hay.
Cần có điểm nhấn trong đột phá thể chế
Theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam cần tận dụng những lợi ích của cách mạng công nghệ để có thể bắt nhịp và đi cùng thời đại Công nghiệp 4.0. Điều này là một thách thức và rất cần ý chí và trách nhiệm của lãnh đạo.
Ngoài ra cũng cần tạo dựng một khung khổ pháp lý thích hợp cùng với sự quyết liệt thực thi, đặc biệt liên quan đến IPRs, chính sách cạnh tranh và việc thu hút FDI công nghệ.
“Thiết lập hệ thống sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (starups) làm trung tâm chính là đòn bẩy cho công cuộc này. Vườn ươm kết hợp các định chế/nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước, cùng mạng kết nối ý tưởng có sự hỗ trợ của các cố vấn kinh nghiệm cùng cơ sở nghiên cứu và triển khai có thể là hạt nhân cho startups”, ông Thành khuyến nghị.
Thu hút FDI trong lĩnh vực dịch vụ có ý nghĩa lớn
Cũng theo ông Võ Trí Thành, cần lấy kinh doanh bền vững, tác động lan tỏa về công nghệ, kỹ năng và việc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam (tham gia và vươn dần lên trong chuỗi giá trị) làm một nội dung quan trọng hàng đầu trong xúc tiến và đánh giá kết quả thu hút FDI. Không dừng ở đó, nó phải được chuyển hóa thành chính sách phát triển.
Hình thành các cụm liên kết ngành là một hướng đi chính sách cần đặc biệt quan tâm. Nhiều nghiên cứu về cụm liên kết ngành cho thấy các nhân tố tạo ra sự phát triển cụm liên kết ngành, bao gồm: Môi trường thể chế chuyên nghiệp và thân thiện, thu dụng được nhân tài và một lực lượng lao động có kỹ năng; Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; Sự có mặt của các doanh nghiệp tiên phong, trong đó có vai trò của FDI và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thuận lợi.
Đồng thời, ông Thành cho rằng cần thận trọng với can thiệp nhà nước. Cụm liên kết ngành sẽ nảy sinh một cách “tự nhiên” và phát triển dưới tác động của thị trường. Chính vì vậy, can thiệp chính sách thường có ích nhất trong giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển cụm liên kết ngành. Khéo léo cân bằng giữa chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong, tập đoàn đa quốc gia và cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo cùng cơ sở nghiên cứu cũng là một nội dung quan trọng.
Thu hút FDI trong lĩnh vực dịch vụ có ý nghĩa lớn ở đây. Vai trò dịch vụ, nhất là dịch vụ công nghệ cao và giá trị gia tăng cao, đang trở nên có ý nghĩa trong phát triển và Việt Nam ngày càng mở cửa dịch vụ. FDI dịch vụ có thể gây không ít khó khăn cho các nhà cung ứng dịch vụ cùng lĩnh vực trong nước, song, theo TS. Võ Trí Thành, cũng cần có cách nhìn cân bằng với tác động tổng thể lên toàn bộ nền kinh tế. Một nền kinh tế không thể có khả năng cạnh tranh tốt nếu thiếu các dịch vụ có chất lượng cao với giá cạnh tranh.
Hài hòa hóa các tuyến hội nhập
Ông Võ Trí Thành cho rằng nên tận dụng và gắn kết chặt chẽ thu hút FDI với quá trình hội hập sâu rộng của Việt Nam.
“Cái được nhất hay tác động lớn nhất của hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các FTAs chất lượng cao là cải cách thể chế. Xúc tiến đầu tư, thương mại cần nhằm vào các nhà đầu tư có tiềm năng và khả năng tạo hiệu ứng lan tỏa tốt nhất. Quan hệ đối tác, nhất là đối tác chiến lược, giúp rất nhiều cho hoạt động này. Nhà đầu tư hiệu quả luôn biết “nắm tương lai” và “đầu tư vào tương lai”. Chính vì vậy, nỗ lực cải cách thể chế với những hành động trên thực tế sẽ tạo niềm tin và do vậy sẽ hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Thành phân tích.
Lựa chọn cách thức hội nhập và thực hiện cam kết hội nhập cũng có tác động rất lớn việc thu hút FDI hiệu quả. Đều là mở cửa, hội nhập song cấp độ có thể khác nhau, cả về đối tác lẫn phạm vi cam kết.
Việt Nam hội nhập trên tất cả các cấp độ. Bên cạnh việc tạo thuận lợi trong tiếp cận thị trường, thúc đẩy cạnh tranh, những khác biệt trong các cam kết quốc tế có thể gây tác động chệch hướng thương mại và đầu tư.
“Bài toán đặt ra cho Việt Nam là hài hoà hóa các tuyến hội nhập cùng cải cách bên trong để tận dụng tốt nhất các cơ hội phát triển, giảm thiểu được sự méo mó trong phân bổ nguồn lực lẫn phí tổn thực thi. Giải bài toán không đơn giản, song cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường chính là hướng đi phù hợp với việc hài hòa hóa các tuyến hội nhập”, TS. Võ Trí Thành phân tích.
Thu hút FDI nhưng không gây bất ổn kinh tế
Theo TS Võ Trí Thành, một điều cũng không kém phần quan trọng là thu hút vốn từ bên ngoài, trong đó có FDI, nhưng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Có bốn bài học cơ bản. Một là dòng vốn bên ngoài mang lại nhiều lợi ích và cả tác động tiêu cực, rủi ro bất ổn vĩ mô. Hai là đảm bảo sự nhất quán trong chính sách kinh tế vĩ mô (giữa cung tiền, tỷ giá, lãi suất) là cực kỳ cần thiết để giảm thiểu đầu cơ và nguy cơ khủng hoảng.
Ba là phản ứng chính sách thích hợp đối với sự bùng phát luồng vốn vào/ra nên gắn với chế độ tỷ giá linh hoạt, việc tăng cường giám sát tài chính và phối hợp chính sách, nhất là chính sách tài khóa.
Bốn là có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và những nhóm dễ bị tổn thương giảm phí tổn điều chỉnh, phí tổn tuân thủ khi đẩy mạnh hội nhập (như đào tạo/đào tạo lại, cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý…).
“Các vấn đề xã hội là sức ép và có thể gây khó cho việc thực thi các chính sách thích hợp cho ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành cho biết.
Kết thúc cuộc trao đổi, ông Thành nhấn mạnh FDI đã và sẽ vẫn là một khu vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và tiến trình phát triển của Việt Nam. Song vấn đề chính yếu nằm ở chỗ Việt Nam có đủ hay không bản lĩnh, sự đau đáu nghĩ suy và hành động quyết liệt vì đất nước tăng trưởng có chất lượng, khu vực tư nhân lớn mạnh và phát triển bền vững.
Nguyễn Hoàng-Nhật Nam (thực hiện)