|
Ảnh minh họa |
Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/9/2018 nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên gồm: dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động.
Sự kiện sẽ được kết nối trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Chương trình phát động bao gồm các hoạt động được diễn ra đồng thời tại tất cả các điểm cầu trên toàn quốc như: Tổ chức đo huyết áp, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm nhanh đường máu và tư vấn sức khỏe để tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe phát hiện sớm bệnh tật; tổ chức chương trình tập thể dục trực tuyến tại các điểm cầu và đi xe đạp, đi bộ diễu hành để quảng bá, hưởng ứng phong trào toàn dân tăng cường vận động thể lực nâng cao sức khỏe.
Đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ phối hợp công bố các chương trình, hoạt động để triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam trong các lĩnh vực của ngành.
Chương trình Sức khoẻ Việt Nam đặt nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đến năm 2025 và 2030, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi còn lần lượt là dưới 20% và dưới 15%; tăng chiều cao trung bình của thanh niên (18 tuổi) lên mức 167 cm và 168,5 cm (với nam), 156 cm và 157,5 cm (với nữ); giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành xuống 37% và 32,5%...
AT