|
Ảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Tại hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra những lưu ý mà các bộ, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan có thể tập trung để đưa những ý kiến đóng góp, trao đổi, như cần xác định những điều khoản, nội dung nào trong Luật hiện hành đang gây vướng mắc, mâu thuẫn, thậm chí “ghè đá vào chân”, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy thuốc, nhân viên y tế, nghiên cứu các nội dung cần sửa đổi cần đồng bộ với các Luật khác, xác định những nội dung hành lang pháp lý cần thiết phải ban hành, nhưng chưa có trong Luật hiện tại.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Bộ Y tế đang xem xét và đề ra gần 10 nội dung chính nhằm bổ sung, sửa đổi bộ Luật này.
Đó là vấn đề về sự an toàn của người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm, tăng khả năng tiếp cận về các dịch vụ y tế, từ đó đặt ra yêu cầu nâng chất lượng các tuyến khám chữa đồng đều hơn, thậm chí quan tâm thêm các nhu cầu của người bệnh như yếu tố tâm linh, tôn giáo…
Vấn đề nâng cao kỹ năng thực hành y khoa cho người hành nghề, gắn với việc đổi mới đào tạo, trong đó có đổi mới đào tạo chuyên sâu, đề xuất người tốt nghiệp y khoa phải thi quốc gia về lý thuyết và thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề, từng bước chuẩn hóa việc cấp chứng chỉ và thực hành y khoa.
|
Ban soạn thảo đang cân nhắc tới thời hạn chứng chỉ hành nghề của nhân viên y tế.
Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Ban soạn thảo cũng đang cân nhắc tới thời hạn chứng chỉ hành nghề của nhân viên y tế, xóa bỏ chứng chỉ hành nghề vô thời hạn hiện nay.
Một vấn đề nữa là đề xuất bổ sung, mở rộng thể chế pháp lý liên quan tới việc áp dụng các kỹ thuật trong điều trị bệnh. Trước đây, Luật có quy định ngặt nghèo khiến nhiều cơ sở y tế không thể tiếp cận để phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện, Ban soạn thảo cân nhắc mở rộng các tiêu chí áp dụng và phân cấp cho các địa phương, tạo điều kiện cho phép áp dụng kỹ thuật sớm nhất, đáp ứng nguyện vọng của người bệnh.
Dự thảo Luật bổ sung cũng sẽ quy định về việc giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực khám chữa bệnh, đặc biệt là liên quan tới sai sót về chuyên môn, các sự cố y khoa. Theo đó, cần có hội đồng chuyên môn để bảo đảm tính khách quan hơn, phân theo các tuyến, các cấp gồm: cấp bệnh viện, cấp sở, cấp bộ; đảm bảo phân quyền cho tuyến dưới. Trong hội đồng chuyên môn phải có sự tham gia sâu của đội ngũ luật sư để bảo đảm yếu tố khách quan và lợi ích của người bệnh.
Đối với quy định bổ sung về việc người nước ngoài tới khám chữa bệnh tại Việt Nam, ông Nguyễn Huy Quang cho biết, có hai vấn đề đặt ra trong quy định này.
Một là, yêu cầu người nước ngoài thi tiếng Việt để cấp chứng chỉ hành nghề. Trên thế giới, bên cạnh việc phải có bằng cấp chuyên môn, người ngoại quốc phải thi tiếng bản địa mới được hành nghề. Trong khi, ở Việt Nam, người nước ngoài đang sử dụng phiên dịch. Vì vậy, Ban soạn thảo đang xem xét đưa vấn đề thi tiếng Việt để cấp chứng chỉ hành nghề vào Luật.
Hai là, quy định chi tiết về việc người nước ngoài tới khám chữa bệnh nhân đạo tại Việt Nam. Hiện nay, Luật quy định người nước ngoài phải có chứng chỉ hành nghề do Việt Nam cấp mới được phép khám chữa bệnh. Tuy nhiên trong trường hợp xảy ra thiên tai như động đất, sóng thần, bão lũ, số lượng người cần cấp cứu rất nhiều, không thể chờ cấp chứng chỉ hành nghề, thì cần có cơ chế pháp lý thuận lợi để bác sĩ nước ngoài hoạt động.
Hiền Minh