Ngày 30/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp số 526/CTPH giữa Chính phủ, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam "Về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020".
Theo các báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2017-2020, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã vận động được hơn 8,5 triệu gia đình hội viên ký cam kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thực hiện cuộc vận động 3 không “Không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục", “Nói không với thực phẩm bẩn”...
|
Quang cảnh Hội nghị |
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành cho thấy, đến tháng 10/2020, tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo ATTP đạt 72% (năm 2019 là 64%), chứng tỏ việc vận động của hai Hội đã đến được tới hội viên.
Với phương châm đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông sản an toàn, nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến đảm bảo ATTP, Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng 8.098 mô hình sản xuất an toàn; 5.998 mô hình liên kết sản xuất an toàn; 884 cửa hàng an toàn; 15.499 tổ hội/chi hội nghề nghiệp với gần 200 nghìn hội viên tham gia trong đó, nhiều mô hình được đạt chứng nhận VietGAP, BlobalGAP, hữu cơ...
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ xây dựng 2.397 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 720 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn.
Trung ương Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai giám sát việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm không an toàn tại 19 tỉnh, thành phố. Cấp tỉnh đã thực hiện giám sát 9.588 cơ sở….
|
Nhiều nông sản sạch từ kết quả của Chương trình 526 được nhiều người tiêu dùng lựa chọn |
Theo đánh giá, Chương trình 526 vừa qua đã huy động được nguồn lực của xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các cấp Hội Nông dân, Phụ nữ là yếu tố quyết định đến kết quả của chương trình. Đây là minh chứng hiệu quả sự phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhờ đó, hiện tượng "rau hai luống, lợn hai chuồng", lạm dụng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không còn phát hiện qua hoạt động giám sát và hệ thống thông tin nóng; thôi thúc hội viên hai Hội cách thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ mới, liên kết tạo ra sản phẩm an toàn, phát triển bền vững ngành nghề, nâng cao trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật, quy trình sản xuất nông sản an toàn vì sức khỏe bản thân và cộng đồng, đóng góp tích cực vào áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, bền vững.
Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tính đến tháng 10/2020 cho thấy: diện tích nông sản ứng dụng VietGAP và các chuẩn tương đương đã tăng lên 170 nghìn ha (gấp 4 lần so với năm 2019); diện tích nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn VietGAP và tương đương là hơn 6.300ha (tăng 1,2 lần so với năm 2019); phát triển được hơn 1.636 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên cả nước (tăng 122 chuỗi so với năm 2019).
Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phối hợp, các ý kiện tại Hội nghị kiến nghị ngoài tiếp tục thực hiện 5 nội dung của Chương trình 526, cần bổ sung thêm 3 nội dung. Đó là: phổ biến, vận động sử dụng vật tư nông nghiệp nguồn gốc sinh học, sản xuất xanh, phát triển bền vững theo chuẩn VietGAP, BlobalGAP; xây dựng mô hình nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình công nghệ cao 4.0; sản xuất, sơ chế, chế biến theo chuẩn ISO 22000/GMP/HACCP gia tăng giá trị sản phẩm; xây dựng mô hình thương hiệu sản phẩm nông sản quy mô hộ nông dân/phụ nữ làm chủ, an toàn, chất lượng quốc tế, chủ động kết nối phát triển thị trường.