Dự kiến, cuộc thanh tra lần này sẽ có sự phối hợp của Bộ Công an, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung thanh tra đối với các doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký hàng nghìn sim với thông tin thuê bao hợp pháp nhưng không làm rõ được mục đích sử dụng để yêu cầu chấm dứt dịch vụ, đồng thời chấn chỉnh việc thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông di động.
Trước đó, nhằm tăng cường quản lý thông tin thuê bao, khắc phục tình trạng sim rác, tin nhắn rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản chấn chỉnh các doanh nghiệp trên tinh thần người đứng đầu doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu còn tồn tại sim rác của doanh nghiệp đó; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng hệ thống nhận dạng hình ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ gia tăng tính chính xác trong việc đăng ký thông tin thuê bao.
Đầu tháng 9/2019, 03 doanh nghiệp Viettel, VNPT, Mobifone đã chính thức áp dụng ứng dụng AI trong việc đăng ký thông tin thuê bao tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp.
Tính đến hết tháng 8/2019, các doanh nghiệp đã rà soát, xử lý khoảng 4,7 triệu sim thiếu 1 trong 4 trường thông tin cơ bản (họ tên, địa chỉ, số giấy tờ và ảnh chụp giấy tờ), trong đó có 2,6 triệu đã đăng ký lại thông tin; 2,1 triệu sim đã khoá 2 chiều hoặc dừng dịch vụ. Đồng thời, các doanh nghiệp tiếp tục rà soát, phát hiện khoảng 15,4 triệu sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn trên kênh phân phối và xử lý.
Tính đến ngày 10/9/2019, các doanh nghiệp đã thực hiện khóa 2 chiều hơn 2,1 triệu sim trong tổng số hơn 9 triệu sim đã khóa 1 chiều thuộc tập sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn trên kênh phân phối (số còn lại khách hàng đã đến cập nhật lại thông tin hoặc bị hủy do quá thời hạn sử dụng gói cước).
Đối với tin nhắn rác, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, hệ thống chặn lọc tin nhắn rác của các nhà mạng hoạt động hiệu quả, có khả năng chặn lọc hàng trăm triệu tin nhắn rác mỗi năm, trong đó chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019 số lượng tin nhắn rác chặn được trên toàn mạng là 90,4 triệu tin. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã ghi nhận được 21.888 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm 2018 (42.708 lượt phản ánh). Điều này nói lên các chính sách điều tiết trong thời gian vừa qua đã phần nào phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận định, việc xác định chính xác thông tin thuê bao (đúng người sử dụng) cũng chưa chắc chắn vì chưa có cơ sở dữ liệu về giấy tờ tùy thân của Bộ Công an để đối soát.
Trong thực tế, nhiều người sử dụng dịch vụ cũng chưa nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác nên dù đã nhận được tin nhắn của doanh nghiệp viễn thông cũng như nhận được giải thích của các nhân viên của doanh nghiệp nhưng vẫn không hợp tác bổ sung lại, cập nhật thông tin thuê bao.
Các khái niệm, tiêu chí xác định đâu là tin nhắn rác, cuộc gọi rác còn chưa rõ ràng, đơn nghĩa gây khó khăn trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra (nhiều tin nhắn quảng cáo từ nhà mạng cũng bị một số người sử dụng, cơ quan báo chí gọi là “rác”).
Thời gian tới, để tăng cường tính pháp lý cho việc phòng, chống tin nhắn rác, thư rác, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác. Dự kiến các văn bản trên sẽ được trình Chính phủ vào cuối năm 2019. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý thông tin thuê bao.
Bộ cũng sẽ giao trách nhiệm trực tiếp đến lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông di động, theo đó nếu còn tồn tại sim rác ở nhà mạng nào, nhà mạng đó sẽ không được cấp phép triển khai các dịch vụ mới, ví dụ như dịch vụ mobile money.
Hiền Minh