Bộ trưởng Y tế giải trình vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế 

(Chinhphu.vn) – Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập thời gian qua là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, do hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập; việc thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương…
Bộ trưởng Y tế giải trình vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan giải trình trước Quốc hội về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội phản ánh về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tiếp tục xảy ra tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập thời gian qua, gây ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh của người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của tổ chức WHO, thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế là thách thức dai dẳng, không phải là hiện tượng mới. Tình trạng này càng đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe người dân ngay ở các quốc gia có nền y tế phát triển như Anh, Pháp, Ý, Hoa Kỳ.

Đặc biệt, các thuốc điều trị liên quan hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, thuốc kháng độc bạch hầu, vaccine khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, các thuốc – sinh phẩm từ huyết tương từ máu người.

Ngày 24/10/2023, Ủy ban châu Âu EC đã họp bàn và ra thông báo về việc tăng cường các hành động khắc phục thiếu thuốc trầm trọng và tăng cường an ninh nguồn cung.

Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm, vấn đề biến động giá cả trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng xung đột quân sự… làm tăng cao chi phí đầu vào của việc sản xuất dược phẩm.

Giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất, sản xuất các loại thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn.

Ở Việt Nam, người đứng đầu Bộ Y tế cho rằng, việc tổ chức đấu thầu thuốc được tổ chức ở cả 3 cấp, gồm: cấp Trung ương (đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5-18% số lượng thuốc toàn quốc); cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập ở nước ta xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch COVID-19.

Việc mua sắm đấu thầu còn vướng mắc

Nguyên nhân được Tư lệnh ngành Y tế chỉ ra, đó là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập; việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả; đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương.

Để tháo gỡ những bất cập này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế, đặc biệt các Nghị quyết 80, Nghị quyết 99 của Quốc hội; Nghị quyết 30, Nghị định 07, Nghị định 75 của Chính phủ; các thông tư của các bộ, ngành, trong đó có Thông tư 14 của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đến nay, các cơ sở đã triển khai theo các quy định.

Đối với nguồn cung thuốc, thiết bị y tế trên thị trường, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là trên 22.000 thuốc, trên 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế còn hiệu lực.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc Bộ; đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu; rà soát các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

"Đến nay, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, mặc dù vẫn xuất hiện tình hình thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của 1.076 sơ sở y tế trên toàn quốc, trong tháng 10/2023, có 67,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng cho hoạt động khám, chữa bệnh; 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ.

Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám chữa bệnh, như BV Bạch Mai. Từ đầu năm tới nay, BV này đã thực hiện được 35 gói thầu mua vật tư, hóa chất, máy móc.

Đối với việc các bệnh hiếm gặp, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã trình cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề đảm bảo nguồn cung cho các vấn đề thuốc hiếm, đặc biệt, liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính ngân sách.

HM

79 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1114
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1114
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87219198