Bộ trưởng Y tế động viên người dân tiêm chủng vaccine ComBE Five 

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ở Hà Nội đã có hơn 5.300 trẻ được tiêm ComBE Five, chỉ ghi nhận 2 trường hợp biểu hiện sốt, khóc kéo dài nhưng đã được điều trị ổn định.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra việc theo dõi tiêm chủng thường  xuyên tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: VGP/Thanh Hằng

Ngày 9/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có chuyến đi thị sát công tác tiêm chủng mở rộng tại trạm Y tế xã Phú Nghĩa, trạm Y tế xã Ngọc Hoà, thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Hai trạm này có lịch tiêm chủng thường xuyên vào ngày mùng 9 hàng tháng.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với dân số khoảng 10 triệu người, trong đó 2,5 triệu người vãng lai từ các tỉnh thành khác về, mật độ dân số nội thành trung bình khoảng 20.000 người/km2, gấp 20 lần khu vực ngoại thành, Hà Nội là nơi có nguy cơ cao về dịch bệnh truyền nhiễm và việc triển khai công tác phòng chống dịch nói chung và tiêm chủng nói riêng luôn có những khó khăn nhất định.

Từ ngày 2/1/2019, các đơn vị trên địa bàn Thủ đô đã triển khai tiêm vaccine 5 trong 1 ComBE Five, thay thế vaccine 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện, Hà Nội đã có 268/584 xã, phường, thị trấn thuộc 14/30 quận huyện, thị xã thực hiện tiêm vaccine ComBe Five trong buổi tiêm chủng thường xuyên. Tổng số trẻ đã được tiêm là 5.312 trẻ.

Trẻ tiêm vaccine ComBE Five tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Giang

Ghi nhận tại buổi thị sát công tác tiêm chủng thường xuyên tại hai trạm Y tế trên, đa số các bậc phụ huynh đều nắm được thông tin vaccine ComBE Five sẽ thay thế vaccine Quinvaxem khi tiêm cho trẻ lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, vẫn có phụ huynh lo ngại và băn khoăn về tính an toàn khi tiêm vaccine này cho trẻ.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các phụ huynh đưa trẻ đến tiêm, đồng thời quan sát nhân viên y tế từ khâu khám loại trừ, tư vấn trước tiêm, tiêm chủng và hướng dẫn người dân theo dõi trẻ sau tiêm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đúng là bất cứ một vaccine nào đều có nguy cơ, nhưng tỷ lệ này rất thấp so với lợi ích mà vaccine đem lại cho trẻ. Trong đó, việc tiêm chủng vaccine sẽ giảm nguy cơ đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ nếu xảy ra dịch bệnh.

"Xác suất, tỷ lệ cứu sống người cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tai biến. Đó là nguyên tắc của y học và chúng ta cần vận dụng", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Vì trẻ mới sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, sức đề kháng kém nên rất dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng 8 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B,  viêm phổi/ viêm màng não mủ do Hib, bại liệt, sởi.

“Tại Hà Nội, địa bàn rộng (bao gồm cả đồng bằng, trung du, miền núi) đã có hơn 5.300 trẻ được tiêm ComBE Five, chỉ ghi nhận 2 trường hợp trẻ ở Quốc Oai và Mê Linh có biểu hiện sốt, khóc kéo dài, sau khi được chuyển đến bệnh viện Xanh Pôn, các cháu đã được điều trị ổn định và ra viện”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng cũng cho biết, vaccine ComBe Five do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất và được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định từ năm 2012. Tính đến nay, có trên 400 triệu liều đã được sử dụng ở trên 40 quốc gia. Tại Việt Nam, tất cả các lô vaccine trước khi đưa vào sử dụng cũng đều được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế kiểm tra chất lượng toàn diện.

Theo thống kê của ngành y tế cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi từ 20- 30 trẻ/ngày do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm các bệnh sẵn có như viêm phổi, tiêu chảy và các bệnh lý tiềm ẩn khác, do đó không loại trừ trẻ tử vong sau tiêm chủng vì sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần cho con đi tiêm vaccine phòng bệnh đúng lịch đúng liều. Đặc biệt, khi cho con tiêm xong tại cơ sở y tế xã/phường… thì phải theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm. Trong 1-2 ngày tiếp theo, các bà mẹ hãy tiếp tục đồng hành theo dõi con mình, nếu phát hiện triệu chứng bất thường khó thở, tím thái, khóc thét, sốt cao, co giật, phát ban, li bì, chân tay lạnh để đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Bộ trưởng Y tế cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc khám, sàng lọc trẻ trước tiêm, tư vấn, dặn dò sau tiêm, xử lý tình huống nếu trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm của cán bộ y tế đối với các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ.

Hiền Minh

384 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1177
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1177
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87178527