|
Ảnh minh họa |
Các nhóm giải pháp này gồm: Nhóm giải pháp tác động vào phía cung; nhóm giải pháp tác động vào phía cầu; nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu.
Tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu
Nhóm giải pháp tác động vào phía cung tập trung vào thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng.
Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, để có thể xuất khẩu nông, thủy sản một cách bền vững, với giá xuất khẩu được cải thiện, đề nghị Bộ NN&PTNT đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường.
Những việc có thể và cần làm ngay bao gồm: Nghiên cứu để mở rộng diện tích trồng điều ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp. Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu đã lên tới trên 3,5 tỷ USD/năm nhưng ngành điều vẫn phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn điều thô hằng năm (trên tổng nhu cầu khoảng 1,4 triệu tấn) để sản xuất nhân điều xuất khẩu. Nếu có thể sản xuất thêm điều thô trong nước thì không những giúp được ngành điều tự chủ hơn về nguyên liệu mà còn tạo thêm được việc làm và thu nhập cho bà con nông dân.
Nghiên cứu giải pháp để khuyến khích người dân không khai thác sớm các diện tích rừng trồng. Hiện nay, do khai thác sớm nên thân gỗ rừng trồng chỉ thích hợp để băm dăm, giá trị xuất khẩu không cao. Nếu giữ lại để khai thác muộn hơn, thân gỗ sẽ đủ lớn để chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu, giá trị sẽ lớn hơn nhiều.
Nghiên cứu giải pháp để phát triển mạnh sản xuất giống thủy sản, nhất là giống có khả năng kháng bệnh. Một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm đề nghị tham khảo kinh nghiệm của Ecuador trong việc sản xuất tôm giống từ các cặp tôm bố mẹ có khả năng kháng bệnh.
Sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giúp người dân tái canh cây cà phê, từ đó ổn định sản lượng cà phê nhân xuất khẩu ở mức hợp lý. Với một số mặt hàng đang có biểu hiện dư thừa nguồn cung như hồ tiêu, lúa nếp, đề nghị có biện pháp để kiểm soát tốt hơn diện tích trồng, gắn sản xuất với tín hiệu thị trường. Nghiên cứu quy hoạch các vùng trồng sắn để phục vụ không chỉ nhu cầu xuất khẩu mà còn cả nhu cầu sản xuất ethanol trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu áp dụng các giải pháp đồng bộ để chấm dứt hiện tượng có tạp chất và dư lượng kháng sinh trong sản xuất tôm và thủy sản; nghiên cứu áp dụng việc kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho hồ tiêu xuất khẩu; nghiên cứu áp dụng việc kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu dưới hình thức tiểu ngạch, bảo đảm uy tín cho thủy sản của Việt Nam.
Bộ Công Thuương cũng đề nghị các Bộ TN&MT, Tài chính, KH&CN xem xét lại một số quy định về kiểm tra, xem xét lại các quy định về thuế nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Duy trì các thị trường cũ, mở cửa các thị trường mới
Nhóm giải pháp tác động vào phía cầu tập trung vào đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định.
Bộ Công Thương đang chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban châu Âu đẩy nhanh tiến độ rà soát pháp lý để tiến tới ký chính thức Hiệp định FTA Việt Nam - EU trong năm 2018, hướng đến phê chuẩn và thực thi Hiệp định vào vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành hồ sơ để sớm trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, mở ra các thị trường mới cho xuất khẩu của Việt Nam; nỗ lực yêu cầu các nước xóa bỏ tối đa thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế đối với hàng hóa của Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chú trọng và tăng cường công tác đàm phán với cơ quan đồng cấp trên một số thị trường trọng điểm để giải quyết các vấn đề có liên quan tới hệ thống quản lý chất lượng cũng như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giúp nông, thủy sản của ta, đặc biệt là rau quả, thịt và sản phẩm thịt, sữa và sản phẩm sữa tận dụng được cơ hội mở ra khi thuế nhập khẩu trên các thị trường này được cắt giảm hoặc xóa bỏ.
"Việc xem xét và cho phép nước ngoài được xuất khẩu nông sản vào Việt Nam, nhất là thịt, sữa và hoa quả, cần được tiến hành trên cơ sở có đi có lại, công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn và hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm để tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, những biện pháp bảo hộ quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế, gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng; hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các sắc thuế phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, vi phạm quy định của WTO.
Trước mắt, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản giải quyết các tranh chấp với Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tôm và cá tra Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu việc bổ sung kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại bởi kinh phí như hiện nay là quá hạn hẹp, không tương xứng với kim ngạch xuất khẩu cũng như tiềm năng xuất khẩu của nước ta và thua xa các nước trong khu vực. Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2016, kinh phí dành cho xúc tiến thương mại của Việt Nam chỉ bằng 0,003% kim ngạch xuất khẩu, bằng 1/10 so với Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới là 0,11% kim ngạch xuất khẩu.
Hỗ trợ trực tiếp đến các doanh nghiệp
Nhóm giải pháp cuối cùng hướng vào các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khâu tổ chức hoạt động xuất khẩu.
Trong đó, công tác cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu được Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng.
Cụ thể, để triển khai Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định quy định chi tiết về hoạt động xuất xứ hàng hóa, thương mại biên giới, phòng vệ thương mại và các biện pháp hỗ trợ hoạt động ngoại thương. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (thay thế Nghị định số 187/2013/NĐ-CP) hiện đang được trình Chính phủ xem xét trước khi ban hành.
Bộ Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT định kỳ 6 tháng một lần phát hành Báo cáo đánh giá thị trường nông, thủy sản, trong đó đưa ra những thông tin, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả, thị trường của một số nông, thủy sản xuất khẩu chính để doanh nghiệp và người dân có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu sẽ được thực hiện cùng với Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thúc đẩy việc triển khai Cơ chế Một cửa Quốc gia, Cơ chế Một cửa ASEAN; rà soát, áp mã HS cho toàn bộ danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhằm nâng cao tính minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đề ra tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì nghiên cứu biện pháp giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong khâu thanh toán tại một số thị trường như Trung Quốc, Liên bang Nga, một số nước châu Phi,... để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này; Tiếp tục xem xét, áp dụng các biện pháp để giảm lãi suất cho vay ngắn hạn; tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, về quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn; Nghiên cứu biện pháp giúp các doanh nghiệp có thể tham gia trực tiếp vào các thị trường kỳ hạn quốc tế để tận dụng các công cụ phòng chống rủi ro (hedging) trên các thị trường này.
UBND các tỉnh, thành phố có cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế rà soát lại các loại phí và mức phí thu vào hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là hàng xuất khẩu, để tiếp tục giảm phí cho doanh nghiệp.
Phan Trang