Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu định hướng lớn năm 2018 

(Chinhphu.vn) - Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nêu những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 của ngành.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Về nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng cho biết tăng trưởng kinh tế đã theo hướng bảo vệ môi trường, tăng trưởng dựa trên tri thức, tăng trưởng mà không hy sinh, đánh đổi môi trường… Trong thành công của đất nước trong năm 2017, công tác bảo vệ môi trường bước đầu đạt được một số kỳ vọng của người dân…

Bên cạnh đó, năm 2017 là năm mà ngành TN&MT nỗ lực không ngừng để khắc phục các tồn tại, yếu kém từ trước đến nay, trong bối cảnh phải xử lý những vấn đề như sự cố ở Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang hay nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), thiên tai cũng như khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề ô nhiễm môi trường, những xung đột liên quan đến sử dụng tài nguyên nước…

Trong bối cảnh đó, ngành TN&MT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, Bộ TN&MT đã tập trung xây dựng thể chế. Trong năm 2017, lần đầu tiên Bộ hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng thể chế trong đó đã trình 1 luật trước Quốc hội; 13 đề án trình Chính phủ; 7 nghị định trình Thủ tướng Chính phủ và 67 thông tư…

Để chuẩn bị cho việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2018, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu một số vấn đề và đề xuất để thực hiện. Thứ nhất, liên quan đến lĩnh vực đất đai, theo Bộ trưởng, trước hết phải tập trung nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai.

Trong năm 2018, Bộ TN&MT cũng xác định rà soát xong đất nông lâm trường đồng thời đề xuất thêm việc phân bổ, quản lý, sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả của đất nông lâm trường.

Thứ hai, về môi trường, cần thay đổi theo hướng phòng ngừa, ngăn chặn. Quản lý môi trường từ cuối đường ống sang quản lý môi trường một cách chủ động, quản lý từ đầu đường ống trong suốt quá trình hoạt động của các dự án.    

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung vào các vấn đề môi trường đang bức xúc hiện nay như: Môi trường đô thị, rác thải, ô nhiễm các dòng sông, môi trường nông thôn, môi trường làng nghề…;  xử lý chất thải tại nguồn, người gây ra ô nhiễm phải bị xử lý, người gây ô nhiễm phải trả tiền…

Về giải pháp, bên cạnh việc sửa đổi chính sách pháp luật về môi trường, cần huy động nguồn lực xã hội hóa mạnh hơn nữa để phát triển ngành kinh tế dịch vụ xử lý môi trường trong tương lai.

Thứ ba, về tài nguyên nước, trong năm 2018 sẽ tiến hành quy hoạch tài nguyên nước theo lưu vực sông đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình… và một số lưu vực sông lớn khác.

“Chúng ta sẽ tiếp tục thể chế hóa kinh tế tài nguyên nước để quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên này. Đồng thời chúng ta sẽ tập trung bằng các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề liên quan đến nguồn nước xuyên biên giới…”,  Bộ trưởng nói.

Thứ tư, trong lĩnh vực khoáng sản, hiện nay chúng ta đang tiến hành sơ kết Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục nâng cao tăng cường quản lý sản lượng, hiệu quả chế biến khoáng sản, đặc biệt là chú ý đến khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường…

Thứ năm, trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu, chúng ta cần xác định rõ các vấn đề để có biện pháp ứng phó hiệu quả.

Về vấn đề tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo, Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua ngành đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Bộ trưởng hy vọng trong năm 2018 sẽ phát huy năng lực của công tác dự báo cảnh báo. Đồng thời, theo Bộ trưởng, cần xem xét việc xã hội hóa công tác dịch vụ dự báo khí tượng thủy văn để phát huy tốt hơn các nguồn lực cho công tác này.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, chúng ta cần làm tốt hơn việc biến thách thức thành cơ hội qua mô hình mà Thủ tướng chỉ đạo đó là chuyển đổi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phát triển bền vững.

“Tôi cho rằng mô hình này cần tiếp tục triển khai hiệu quả, thiết thực đồng thời chúng ta cần xem xét dựa trên mô hình này để chuyển đổi nhiều vùng, ở nhiều địa phương khác nhau”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Thứ sáu, đối với công tác quản lý tài nguyên môi trường biển, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục tăng cường năng lực để thực hiện việc điều tra cơ bản đối với tài nguyên môi trường biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, cần phải khẩn trương trình Quốc hội quy hoạch sử dụng biển cũng như quy hoạch sử dụng ven bờ… đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường…

Lê Sơn

446 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 884
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 884
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87196442