Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Tỉ lệ tội phạm giảm có ý nghĩa rất nhân văn, vì mục tiêu xây dựng xã hội lành mạnh, nhân dân có cuộc sống ổn định, hạnh phúc - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, năm 2022 là năm bản lề trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh tình hình còn nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp, đặc biệt, nhiều năm chúng ta vượt mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 5% tội phạm, dù chưa được Quốc hội giao. "Chỉ tiêu này rất quan trọng, vì mục tiêu của chúng ta là xây dựng xã hội lành mạnh, an toàn, kỷ cương, để mọi người dân được sống trong khuôn khổ pháp luật, hoà bình, ổn định, có cuộc sống hạnh phúc", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 2022 giảm 9,75% tội phạm. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá thêm trong báo cáo, vì "việc này có ý nghĩa rất nhân văn".
Trật tự xã hội rất đáng khuyến khích. Qua theo dõi nhiều tỉnh, cả ngày không có một vụ phạm pháp hình sự nào. Chẳng hạn, tỉnh Tuyên Quang, cả năm 2022 chỉ có khoảng 200 vụ phạm pháp hình sự, tức là khoảng 160 ngày không có phạm pháp hình sự. Điều này mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống người dân. Có giảm biên chế, giảm cán bộ, giảm trại giam được hay không cũng là từ việc này...
"Các chỉ tiêu Quốc hội giao cơ bản vượt là những điểm nổi bật, đề nghị báo cáo cần nhấn mạnh để thấy được những kết quả", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, công tác phát hiện, điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng có nhiều bước tiến mới, đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế-xã hội. Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây đã họp và cũng đã có kết luận, đánh giá về những việc này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về công tác phòng chống tội phạm - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Bộ trưởng Bộ Công an phân tích: Làm một vụ án, nhưng có thể cảnh tỉnh toàn lĩnh vực, cảnh tỉnh cả một vùng. Ví dụ, một vụ án về chứng khoán, nhưng có thể điều chỉnh lại những chính sách về chứng khoán, cách thức quản lý chứng khoán, để đây thực sự là một kênh huy động vốn của Nhà nước, làm tăng thêm nguồn lực xã hội và làm lành mạnh thị trường chứng khoán. Một vụ án về thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến chúng ta cũng phải suy nghĩ đến những chính sách làm sao để kênh huy động vốn này tạo nguồn lực cho xã hội, đồng thời không để kẽ hở cho tội phạm lợi dụng những chính sách này có các hoạt động kinh tế.
Dự báo tình hình tội phạm năm 2023, Bộ trưởng cho rằng sẽ diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn đa dạng, tính chất và mức độ nghiêm trọng hơn. Điều đó cũng đặt ra áp lực rất lớn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn, trấn áp tội phạm.
Theo tinh thần Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội là phải thể chế hoá được mục tiêu xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, trật tự, kỷ cương. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật cũng là để thực hiện mục tiêu đó. Nghị quyết nêu ra chúng ta phải làm 3 việc: Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo đưa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đi vào nề nếp; xây dựng cơ chế bảo vệ lực lượng công an nhân dân, cơ chế bảo vệ những người thi hành pháp luật; xem xét bảo đảm kinh phí và các điều kiện để phục vụ cho những hoạt động đó.
"Chúng tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội, năm 2022 các mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tốt hơn so với năm 2021 và các năm trước. Những hoạt động đó không hề làm cản trở những hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội bình thường của người dân, mà còn phục vụ rất tốt cho phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định xã hội cho đất nước", Bộ trưởng nói.
Lê Sơn