Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên chất vấn sáng 16/3 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Bộ trưởng Tô lâm, từ đầu quý I/2021 giá cả hàng hóa, dịch vụ toàn cầu tăng mạnh, nhất là giá cả hàng hóa thiết yếu, nguồn nguyên liệu, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của người dân, doanh nghiệp. Từ tháng 2/2022 đến nay, xung đột Nga-Ukraine khiến giá cả, nguồn hàng càng khan hiếm hơn, đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng sản xuất trong nước.
Riêng năm 2021, thống kê có 22 loại hàng hóa tăng giá, nhiều mặt hàng tăng 50% như cà phê, nhôm... Đây cũng là mức tăng giá trong năm lớn nhất kể từ năm 1995 đến nay trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, kinh tế thế giới đang hội tụ những đặc điểm của siêu chu kỳ thứ 5, gắn với 4 đặc điểm khác so với chu kỳ tăng giá trước đây.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thế giới đang có nhu cầu lớn phục vụ cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là nguồn nguyên liệu. Dịch COVID-19 khiến nguồn cung cấp hàng hóa hàng thiết yếu trên toàn cầu bị thu hẹp đáng kể; các nước tăng cường sử dụng công cụ tài khóa, tiền tệ để ngăn chặn suy thoái kinh tế, kích thích tiêu dùng, dẫn đến lạm phát có chiều hướng tăng cao. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn bị đẩy lên cao, nhiều nước tăng cường các biện pháp trừng phạt, đáp trả nhau trên thị trường thương mại, đầu tư, ảnh hưởng lớn đến lưu thông, luân chuyển hàng hóa, và nước ta cũng không nằm ngoài tác động đó.
Buôn lậu, gian lận thương mại... diễn biến phức tạp
Ở Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, có nhiều chuyển biến tích cực, lạm phát, giá cả hàng hóa đang trong tầm kiểm soát. Các tổ chức kinh tế quốc tế đều dự báo lạm phát ở Việt Nam sẽ tăng cao hơn trong năm 2021, khoảng 3,5-3,9% song thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ.
Những biến động lớn, nhanh, khó dự báo của thị trường hàng hóa toàn cầu cũng ảnh hưởng đến nước ta. Nhưng có thuận lợi là Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, nguồn cung khan hiếm. Chúng ta đáp ứng được một số ngành hàng có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản...
Về công tác phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh thời gian gần đây gia tăng hoạt động buôn lậu gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm... có xu hướng diễn biến rất phức tạp. Hoạt động đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả liên quan trang thiết bị vật tư, y tế, mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh xảy ra nhiều ở các địa phương.
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới diễn biến phức tạp do giá vàng trong nước và thế giới cùng tăng mạnh và chênh lệch ở mức cao. Xuất hiện tình trạng các đối tượng tập trung hoạt động đầu cơ xăng, dầu, "găm hàng" chờ lên giá, xuất lậu, nhập lậu; pha chế làm giả xăng dầu, tuồn ra thị trường để tiêu thụ… "Xăng dầu là vấn đề các đại biểu quan tâm, diễn biến hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả mặt hàng này vẫn còn rất phức tạp. Vừa qua Bộ Công an nỗ lực đấu tranh vụ sản xuất xăng giả ở Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai...", Bộ trưởng Tô Lâm đề cập.
Từ buôn lậu dẫn đến trốn thuế, giá xăng lậu chênh lệch với hàng chính thức rất nhiều, gây thiệt hại cho nhập khẩu chính thức, lại càng kích thích các đối tượng buôn lậu, sản xuất xăng giả, xảy ra tình trạng ô tô, xe máy đi trên đường tự nhiên bốc cháy...
Thông tin về vụ buôn lậu, sản xuất xăng giả ở Đồng Nai, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đến nay đã kết thúc điều tra giai đoạn 1, các cơ quan tố tụng đã bắt, xử lý 100 bị can, phối hợp quân đội xử lý các đối tượng có liên quan trong lực lượng quân đội, trong đó có 99 bị can về tội "Buôn lậu", 1 bị can về tội "Nhận hối lộ". Cơ quan chức năng tạm giữ 2,5 triệu lít xăng, kê biên tạm giữ 16 tàu thủy và nhiều phương tiện khác; tạm giữ số tiền trên 212 tỷ đồng, gần 300.000 USD; phong tỏa 30 tài khoản với số tiền gần 100 tỷ đồng, tạm giữ 51 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều tài sản có giá trị khác. Hiện tại, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng giai đoạn 2 vụ án này.
Chủ động tấn công tội phạm kinh tế
Để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi, vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các vi phạm, tội phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vàng, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19 và những vấn đề phức tạp nổi lên để chuẩn bị các điều kiện về lực lượng, phương tiện nghiệp vụ, chủ động sẵn sàng tấn công, trấn áp tội phạm.
Huy động tối đa lực lượng để tăng cường cho cơ sở, triển khai đồng bộ, có chiều sâu các biện pháp nghiệp vụ, xác định rõ các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng trọng điểm, đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả để tập trung đấu tranh, triệt phá.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng như quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển trong công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với các ngành hàng vàng, xăng dầu, vật tư y tế… để kịp thời dự báo, nhận diện các vấn đề phức tạp nổi lên, từ đó kịp thời tham mưu cho Chính phủ có biện pháp chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.
Lê Sơn