Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: Đỗ Trung
Xây dựng và hoàn thiện thể chế lĩnh vực tổ chức nhà nước
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, kinh tế-xã hội đất nước đang đà phục hồi và đạt được nhiều kết quả trên mọi lĩnh vực trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực vô cùng phức tạp, tiềm ẩn đầy rủi ro, bất lợi và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 sau hơn 2 năm qua.
Đối với ngành nội vụ, với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả", toàn ngành không ngừng đổi mới, nỗ lực, quyết tâm cao và tạo chuyển biến quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực của ngành, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của đất nước, nổi bật là:
Tập trung cao cho xây dựng và hoàn thiện thể chế lĩnh vực tổ chức nhà nước theo hướng đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước; rà soát, khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ, ngành nội vụ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và xu thế phát triển, góp phần đổi mới quản trị quốc gia theo hướng chuyên nghiệp, nhất là quản lý phát triển, quản lý xã hội của nền hành chính nhà nước.
Theo đó, kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ để Chính phủ ban hành các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian; đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật. Cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức hành chính bên trong cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiếp tục đổi mới sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa đối với các dịch vụ công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Tập trung xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tập trung xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Về đổi mới công tác quản lý công vụ và công chức, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ đổi mới công tác quản lý biên chế và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tập trung xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và bước đầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; triển khai đề án đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ cho chính quyền địa phương ở nước ngoài.
Nghiên cứu một số chủ trương, quy định mới của Đảng liên quan đến công tác cán bộ để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp giải quyết những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn cũng như thay đổi chế độ công vụ, công chức gắn với chính sách tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công; đẩy mạnh công tác thanh tra công vụ, công chức, cơ bản hoàn thành xử lý sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm theo các kết luận, quy định của Ban Bí thư; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về công chức, viên chức; thẩm định, tham mưu chặt chẽ, đúng quy định công tác cán bộ thuộc thẩm quyền Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thống nhất chủ trương và nghị quyết tổ chức thực hiện. Tích cực tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập đơn vị hành chính đô thị và sắp xếp, mở rộng không gian đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của nhiều địa phương.
Đồng thời, chủ động tham mưu đẩy mạnh cải cách theo hành chính chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, tạo bước chuyển biến tích cực về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến quốc gia từ Trung ương đến địa phương được cải thiện rõ nét gắn với đẩy mạnh chính phủ điện tử, thúc đẩy chính phủ số, chính quyền số, tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước.
Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, như: Thi đua-khen thưởng đã có nhiều tiến bộ mới, tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước; phối hợp, hỗ trợ tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng; thực hiện chuyển đổi số trong công tác văn thư-lưu trữ; quản lý tổ chức hội, quỹ và các hoạt động của ngành không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực ngành. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ động, quyết liệt, quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần thay đổi nhận thức và phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và toàn ngành.
Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục các tồn tại, hạn chế, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng chỉ rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ; việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có mặt còn hạn chế; tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; về tinh giản biên chế gắn cơ cấu lại và nâng cao chất lượng ngũ cán bộ công chức, viên chức… còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngành, địa phương. Trong khi đó yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 cũng như những năm tới của ngành nội vụ là rất nặng nề.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung trọng tâm.
Một là, phân tích, đánh giá làm sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những kết quả đạt được trên từng lĩnh vực công tác của Bộ, ngành nội vụ năm 2022, thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học và nguyên nhân để có giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Hai là, tham gia, đóng góp bổ sung các nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt chương trình công tác năm 2023 của ngành nội vụ nhằm thể chế hoá kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành.
Lê Sơn