Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 3/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được các đại biểu Quốc hội đặt ra.
|
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu. |
Về bảo vệ rừng, Bộ trưởng cho biết, đến nay tổng diện tích rừng của nước ta là 14,6 triệu ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Đây là một sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Vì năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, hệ số che phủ rừng chỉ chiếm 27%; trong vòng 30 năm, một đất nước với GDP còn thấp như vậy, chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng để bảo vệ môi trường. Do đó, đến hôm nay chúng ta có 14,6 triệu ha rừng. Hệ số che phủ rừng gần 42%, thế giới bình quân gần 29%.
Về nguyên liệu, trong 4,3 triệu ha rừng trồng, chúng ta đã sản xuất ra 30 triệu m3 nguyên liệu để xây dựng một ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp, 4.600 doanh nghiệp chế biến. Năm nay, chúng ta có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD lâm sản. Đây là một cố gắng về phát triển vùng nguyên liệu.
Về rừng tự nhiên, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn có chính sách để bà con chăm nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên với chế độ ngày càng tăng lên. Trước đây chúng ta có chế độ khoán chăm nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên 50.000 đồng/ha, bây giờ lên 520.000 đồng/ha nhưng Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu/ha thì mới bảo đảm từng bước cho chất lượng khu vực 10,3 triệu ha khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên phát triển.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng thừa nhận, trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hóa học đã hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung. Bây giờ phải phục hồi từng bước.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, chính sách khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng cần được cải thiện, nâng cao mức tiền công khoán để đảm bảo từng bước nâng cao chất lượng khoanh nuôi bảo vệ rừng. Thế giới thừa nhận, tôn trọng các cam kết của Việt Nam phát triển rừng bền vững .
Vận hành theo hướng nền nông nghiệp sạch
Cũng theo Bộ trưởng, nền nông nghiệp của chúng ta đang vận hành theo hướng tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch. Năm 2016, Quốc hội chất vấn 2 vấn đề lớn: một là, đầu vào của phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2016, nền nông nghiệp cần khoảng trên 10 triệu tấn phân bón, trong đó chủ yếu là phân vô cơ. Sau kết quả giám sát của Quốc hội, chúng ta đã tăng tỷ lệ phân bón hữu cơ lên gần 4 triệu tấn. Đây là một xu hướng rất tích cực. Trong giai đoạn tới, chúng ta có 243 nghìn ha đất canh tác ở 45 tỉnh sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2019, chúng ta xuất khẩu tới 235 triệu USD nông sản hữu cơ, thể hiện quyết tâm chính trị của chúng ta.
Hai là, về thuốc bảo vệ thực vật, những năm trước đây, một năm chúng ta nhập 120 nghìn tấn thuốc hóa học về bảo vệ thực vật. Đến năm 2019, chúng ta chỉ còn nhập 75 nghìn tấn, trong đó hướng đến 20% là thuốc sinh học. Chúng ta đã giảm số danh mục và số thuốc thương phẩm. Trong 75 nghìn tấn thuốc nhập về, có một phần năm ngoái đã tái xuất bằng các sản phẩm chế biến giá trị 125 triệu USD.
“Như vậy, chúng ta đã cố gắng, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực này, kể cả phân bón, kể cả thuốc bảo vệ thực vật. Tới đây, chúng ta cần tiếp tục hoàn chỉnh hơn kể cả về thể chế, chế tài đầy đủ hơn, hướng dẫn tốt hơn để cố gắng chúng ta vận hành nền nông nghiệp hướng phát triển bền vững, dinh dưỡng cao và sạch”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, Bộ trưởng Cường khẳng định, đây là một thách thức. Chúng ta từ chỗ phát triển theo hướng khai thác nặng về tự nhiên chuyển sang hướng thích ứng, thuận thiên. Do đó, 1,8 triệu ha đất lúa 4 năm vừa qua đã chuyển 400.000 ha đất sang cơ cấu thủy sản.
Chính vì thế, chúng ta không những không giảm sản lượng xuất khẩu mà còn tăng sản lượng xuất khẩu trong khu vực này. Bây giờ chúng ta phải tái cơ cấu lại từng thời vụ một. Năm vừa rồi hạn mặn như thế nhưng 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó rất sớm và chúng ta né được một phần hạn mặn, bảo đảm cho vụ đông xuân vừa rồi đạt kết quả rất cao. Tuy nhiên, vụ vừa rồi còn diện tích khoảng 7.000 ha ở ven biển do mưa nhiều nên bị mất mùa ngay khi thóc nảy mầm trên ruộng.
“Do đó, chúng ta phải từng bước một mặt tái cơ cấu theo hướng thích ứng, căn cứ theo thị trường, nguồn nước để bố trí lại cơ cấu sản xuất”, ông nói.
BT