Uber, Grab bản chất là taxi công nghệ cao?
Tại cuộc họp bàn dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Bộ GTVT tổ chức vào sáng nay (8/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đặt vấn đề về việc dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 phải được soạn thảo chặt chẽ, nhất là những quy định liên quan tới việc quản lý loại hình Uber và Grab.
“Nếu coi Uber, Grab là taxi thì chúng ta phải quản lý số lượng, chứ mới 3,4 năm mà số lượng xe đã tăng tới mấy chục nghìn, vượt cả taxi truyền thống. Cơ quan quản lý nắm rõ, không quản lý được thì tới đây sẽ rất nghiêm trọng. Ở góc độ khác, số lượng xe phát triển nhiều mà việc nộp thuế lỏng lẻo, không được bao nhiêu, trong khi taxi truyền thống ít, nộp thuế nhiều. Suy cho cùng, Uber, Grab hay taxi truyền thống thì bản chất là như nhau. Nếu họ chấp nhận hoạt động chịu sự quản lý như taxi truyền thống thì chúng ta đồng ý. Nếu họ không chấp hành nghiêm thì mời họ ra khỏi Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Ngay sau khi ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Ban soạn thảo Nghị định 86 đề nghị đưa Uber, Grab vào quản lý như loại hình xe hợp đồng thì người đứng đầu ngành giao thông nêu lên bất cập của loại hình taxi công nghệ hiện nay chính là sự an toàn của hành khách.
"Nếu gọi là xe hợp đồng, người dân bị cướp giật trên xe mà không xử được, lái xe có thể là tội phạm không bằng lái thì có quản lý được không?”, Bộ trưởng hỏi.
Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia lại đưa ra khái niệm mới: Cần đặt tên rõ ràng cho các đối tượng vận tải. Cụ thể, đã kinh doanh vận tải bằng xe dưới 9 chỗ phải gọi là taxi. Theo ông Hùng, việc gọi này chỉ là thay đổi cách gọi tên, nhằm ngăn ngừa các vi phạm khác, tránh lách luật.
Mặt khác, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, việc Uber, Grab "báo lỗ" nhưng vẫn thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn cho người sử dụng là nhằm mục đích "thôn tính thị trường".
Tuy nhiên, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, trước đây, theo Nghị định 86 cũ, nhóm toàn bộ xe chạy vận tải hành khách là xe hợp đồng còn theo dự thảo mới thì xe chạy Uber, Grab vẫn gọi là xe hợp đồng kết nối phần mềm và có điều kiện tương đương như taxi, nhưng giới hạn và số lượng xe chạy Uber, Grab thì không có.
"Theo tôi nên đưa Uber, Grab vào nhóm điều kiện của taxi để giải quyết triệt để những tồn tại hiện nay. Việc Uber, Grab không đeo "mào" ta có thể xử lý kỹ thuật được. Vấn đề đồng hồ tính tiền đặt trên xe như taxi theo tôi không nên định nghĩa đồng hồ là thứ có thể "sờ" được, nhất là trong bối cảnh công nghệ như hiện nay. Còn Uber, Grab có chương trình khuyến mãi là quyền của doanh nghiệp, không nên áp đặt", bà Hiền nêu ý kiến.
Phải xử lý được vấn đề trách nhiệm của Uber, Grab trong quản lý lái xe
Trước nhiều vấn đề thực tế đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tổ soạn thảo phải xử lý được vấn đề trách nhiệm của Uber, Grab trong quản lý lái xe.
Cụ thể, các đơn vị này phải ký hợp đồng lao động với tài xế, chịu trách nhiệm khi hoạt động xảy ra vấn đề như cướp giật, quên đồ. Uber, Grab hoạt động với hàng chục nghìn phương tiện, mới vài năm, nhưng số lượng đông hơn cả taxi truyền thống. Tài xế Uber, Grab phải có hợp đồng lao động chặt chẽ để khi có vấn đề có thể quy trách nhiệm được ngay.
“Sử dụng công nghệ mới để hoạt động dịch vụ vận tải tôi rất hoan nghênh, nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật, đúng trách nhiệm các bên. Ngoài ra, hoạt động Uber, Grab cũng phải công khai minh bạch về giá cước, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước. Đặc biệt, phải đảm bảo được an toàn cho người dân, không để người dân cảm thấy bất an khi đi loại hình này. Bất cứ sự việc gì xảy ra đối với người dân phải có cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng khẳng định.
Trong công tác quản lý xe hợp đồng chưa chặt chẽ, còn nhiều điều khoản chưa rõ. Bộ trưởng đề nghị sửa theo hướng quản lý chủ quản kinh doanh xe hợp đồng, làm sao các hộ dân này kinh doanh tự do theo luật pháp, nhưng là kinh doanh có điều kiện, nên phải có điều khoản để quản lý các hộ kinh doanh này. Công tác quản lý tài xế của các doanh nghiệp từ yêu cầu phẩm chất...để làm sao giữa chủ doanh nghiệp và lái xe có mối quan hệ chặt chẽ, quản lý được lái xe trong mọi điều kiện, và có trách nhiệm cùng lái xe trong việc đảm bảo an toàn cho người dân.
Phan Trang