Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm về thiếu trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc 

(Chinhphu.vn) - Chiều 06/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề nóng như vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT, thiếu các trạm dừng nghỉ, không có làn dừng xe khẩn cấp trên một số tuyến đường cao tốc...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm về thiếu trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Hành lang pháp lý cho việc xây dựng các trạm dừng nghỉ trên cao tốc chưa có - Ảnh: VGP

Nêu chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết, tại Nghị quyết số 62, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành việc này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã triển khai nhưng nhiều vấn đề phức tạp chưa thể tháo gỡ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải làm rõ bên cạnh 8 dự án của Trung ương, cấp địa phương còn bao nhiêu dự án BOT gặp vướng mắc tương tự.

"Hiện chưa quyết định được nguồn vốn để xử lý 8 dự án này, từ tăng thu hay đầu tư công trung hạn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói. Cho biết về pháp lý, cả 8 dự án được triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu đề xuất căn cứ vào nghị định hoặc luật.

Bên cạnh đó, khó khăn trong các dự án này còn ở chủ thể. Các dự án không chỉ liên quan nhà đầu tư mà còn cả ngân hàng. Ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư hy sinh lợi nhuận, nhưng nhà đầu tư lại mong muốn ngân hàng hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn.

Theo Bộ trưởng Thắng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ, dự kiến sẽ báo cáo nội dung này với Chính phủ trước 15/11, trình Quốc hội tháo gỡ cho 8 dự án BOT này. "Bộ đề nghị có 5 dự án Nhà nước mua lại và 3 dự án Nhà nước hỗ trợ", Bộ trưởng Thắng thông tin.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho biết, hiện nay đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km đã vận hành và lưu thông nhưng lại chưa bố trí trạm dừng nghỉ. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào có trạm dừng nghỉ để người dân yên tâm khi lưu thông qua tuyến cao tốc trên?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm về vấn đề đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu. Tuy nhiên Bộ trưởng cho biết "khi triển khai các dự án cao tốc, chúng ta vừa chạy vừa xếp hàng". Trạm dừng nghỉ không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, vệ sinh, phòng tạm mà nếu biết khai thác sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho vấn đề này chưa có.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải vừa phải thi công các tuyến cao tốc vừa phải chỉ đạo ban hành thông tư hướng dẫn chọn nhà đầu tư, quy mô xây trạm dừng nghỉ; sau đó kêu gọi nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Đến nay, trên các tuyến cao tốc Bắc Nam đưa vào sử dụng đã bắt đầu chọn nhà đầu tư.

"Khi đưa vào khai thác, các tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn hai sẽ có đủ trạm dừng nghỉ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế", ông Thắng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: Việc đầu tư một số tuyến cao tốc không có làn dừng xe khẩn cấp có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không, giải pháp của Bộ trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chobiết, vừa qua Nhà nước đã quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông và dành hơn 375.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống cao tốc, hạ tầng giao thông. Dù vậy, các tuyến này mới đáp ứng hơn 70% nhu cầu. 

Theo ông, nhiều nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu cũng phải phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc. Trên cơ sở kinh nghiệm này, Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư theo nguyên tắc này, ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh với đoạn, tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu... Phân kỳ đầu tư thực hiện ở bề rộng mặt cắt, còn yếu tố kỹ thuật phải đảm bảo để sau này nâng cấp đường; việc giải phóng mặt bằng cũng chỉ thực hiện một lần.

Tại kỳ họp này, Bộ Giao thông Vận tải cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, dùng nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng hai tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, và La Sơn - Hoàn Liên, đang chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Bộ cũng sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc mới 2 làn xe và các đoạn tuyến có lưu lượng xe lớn để hệ thống cao tốc đồng bộ, hiện đại.

LS

183 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1103
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1103
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89436435