Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương 

(Chinhphu.vn) - Trong các ngày 24-26/7 đoàn công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với 2 tỉnh: Thanh Hóa và Nghệ An về tình hình KT-XH, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 và định hướng phát triển, dự kiến kế hoạch đầu tư công, giai đoạn 2021-2030.

Đây là hoạt động được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, ngành, địa phương.

 

Triển khai sớm, sâu sát, phân trách nhiệm rõ ràng

 

Thanh Hóa được đánh giá là một trong những “điểm sáng” trong bức tranh về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm 2020. Một trong những nội dung quan trọng được đề cập, trao đổi là những bài học của Thanh Hóa trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

 

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, tổng hợp số liệu của Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, đến ngày 22/7, tổng kế hoạch vốn năm 2020 đã giải ngân của tỉnh là 5.301 tỷ đồng, đạt 54,6% so với kế hoạch năm 2020 theo thông báo của Trung ương (đạt 58,3% nếu so với số vốn đã được giao kế hoạch chi tiết).

 

Còn nếu dựa trên con số tổng hợp ở Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến ngày 22/7, tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 10 trong số 126 cơ quan, đơn vị và đứng thứ 6 trong số 63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.

 

Như vậy, căn cứ vào số liệu thống kê nào, Thanh Hóa là một trong những địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong giải ngân vốn đầu tư công.

 

Bài học kinh nghiệm của Thanh Hoá là ngay từ đầu năm đã khẩn trương giao kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án; thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban về đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; yêu cầu ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án giữa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan; phân công cụ thể lãnh đạo chỉ đạo, theo dõi các dự án trọng điểm; rồi thành lập các đoàn kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công…

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã triển khai các giải pháp “rất trúng và đúng”, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp này để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn nữa trong những tháng cuối năm.

 

Về phía địa phương, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khá tự tin khi cam kết sẽ giải ngân hết số vốn kế hoạch giao trong năm nay, còn giải ngân vốn ODA thì khó khăn hơn.

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đề nghị xem xét tổng hợp, bố trí phần vốn ngân sách Trung ương còn thiếu của các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm…

 

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá cao kết quả Thanh Hóa đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là tăng trưởng GRDP đạt 3,7%. Tuy chưa đạt kỳ vọng, nhưng đã góp phần rất lớn vào tốc độ tăng trưởng dương của kinh tế Việt Nam, giải ngân vốn đầu tư tốt, thu hút đầu tư tốt…

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ khi Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng 11% trong 5 năm tới. Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mục tiêu này là cao nhưng phải đặt ra để phấn đấu, cần  "nghĩ lớn, làm lớn”.

 

Trao đổi với đại diện tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý thêm, không chỉ là giải ngân vốn đầu tư công, để phục hồi kinh tế, cũng cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư khác, bao gồm vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân… vì thực tế vốn đầu tư công chỉ chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cần phải coi trọng các nguồn vốn đầu tư này cũng giống như vốn đầu tư công, khơi thông nguồn lực, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ủng hộ mục tiêu của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tập trung phát triển cho Khu kinh tế Nghi Sơn, nơi hiện đang thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, có ý nghĩa động lực, trong đó có Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Muốn làm việc lớn, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lãnh đạo tỉnh cần “tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ cái nhỏ nhất cho các doanh nghiệp,  các nhà đầu tư”.

 

Đoàn công tác khảo sát Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá). Ảnh: Bộ KH&ĐT
 

Nhân chuyến công tác tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã đi khảo sát, để kịp thời nắm bắt tình hình, tại một số đơn vị, dự án thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn.

 

Rà soát chặt chẽ dự án, hướng nguồn lực đến địa chỉ

 
 

Tại Nghệ An, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dự và phát biểu tại Lễ Khởi công Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An)  - đoạn từ điểm giao QL46 đến TL535 (Km 76+00 - Km 83+500). 

 

Lễ khởi công dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hoá) đến Cửa Lò (Nghệ An).
 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

 
 

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong 7 tháng đầu năm, tỉnh đã nỗ lực, tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển KT-XH.

 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Nghệ An có tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2,69%, nằm trong tốp đầu của cả nước. Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng với khoảng 528.000 người, số tiền 536 tỷ đồng.

 

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, theo số liệu Bộ Tài chính báo cáo trước Chính phủ, đến ngày 20/7, Nghệ An giải ngân được 3.666 tỷ đồng/5.697 tỷ đồng, tương đương 64%. Đây là kết quả tích cực của tỉnh đạt được một phần do có sự tích cực phối hợp với Bộ KH&ĐT để được hướng dẫn kịp thời.

 

Tỉnh sẽ phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công của năm 2020, kiên quyết điều chuyển vốn các dự án có kết quả giải ngân không đạt.

 

Trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch Nguyễn Đức Trung chia sẻ, tỉnh Nghệ An phấn đấu đạt mục tiêu giữ tốc độ tăng trưởng từ 9,5-10,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng/năm. Thu ngân sách đạt từ 26.000-30.000 tỷ đồng; Nghệ An phấn đấu mức cao nhất để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trong phát triển KT-XH.

 

Tỉnh cũng xác định 3 đột phá chính là tháo gỡ nút thắt về cải cách hành chính, tạo nguồn nhân lực, thu hút người Nghệ An về tập trung phát triển cho tỉnh và xây dựng kết cấu hạ tầng.

 

Chủ tịch Nguyễn Đức Trung kiến nghị Bộ KH&ĐT bố trí nguồn vốn cho phần còn lại của tuyến đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An)…

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Nghệ An đang hội tụ nhiều điều kiện tốt, phải tự tin phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành trung tâm thực sự của vùng Bắc Trung Bộ, có tính chất lan tỏa, dẫn dắt, chi phối của cả vùng.

 

Về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, Nghệ An chắc chắn có những bài học kinh nghiệm nhất định mới đạt được kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt, cần đánh giá để có thể nhân rộng ra các địa phương khác.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một nhiệm vụ hết sức quan trọng của tỉnh là lập được quy hoạch, bố trí không gian phát triển hợp lý. Tỉnh nên chọn đi theo con đường nông nghiệp hiệu quả cao, gắn với chế biến sâu, thị trường tiêu thụ, không nên chỉ chạy theo sản lượng. Đồng thời, chuyển ngay sang nông nghiệp hữu cơ.

 

Nghệ An cũng cần tập trung nguồn lực vào khu vực phía đông của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển, tăng trưởng. Khu vực miền Tây chưa nên tập trung đầu tư những công trình lớn, nên chú trọng phát triển lĩnh vực nông nghiệp và tập trung quan tâm công tác an sinh xã hội.

 

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho hay, hiện đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, Nghệ An phải chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực để kêu gọi được các dự án khả thi nhất, Bộ KH&ĐT sẽ hỗ trợ tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao.

 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng lưu ý, lãnh đạo tỉnh Nghệ An phải quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai. Cần cấp đất phù hợp với lĩnh vực, dự án, khả năng đầu tư, đóng góp của các nhà đầu tư, biến nó thành nguồn lực để phát triển.

 

“Nghệ An có những dự án đăng ký với quy mô và vốn lớn nhưng không triển khai. Vì vậy, cần rà soát, xem xét thu hồi các dự án này theo tinh thần cương quyết, đúng quy định pháp luật. Từ đó, mở cơ hội cho nhà đầu tư khác, không để tình trạng "quây tôn giữ đất", không tạo ra giá trị”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lưu ý với địa phương.

 

Đoàn công tác khảo sát khu công nghiệp VSIP (Nghệ An)
 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa các dự án trọng điểm tại VSIP Nghệ An để khảo sát, trao đổi, nắm bắt tình hình thực tế.

Việc giải ngân vốn đầu tư được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến về lĩnh vực này, nêu rõ: Mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang.

 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. Các đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn thực hiện kiểm tra từ ngày 18/7 đến ngày 31/8/2020.

Anh Minh
205 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 816
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 816
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87214760