Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bộ NN&PTNT cần là đơn vị cởi mở, để DN muốn đồng hành 

(Chinhphu.vn) – Trong thời gian tới đây, ngành NN&PTNT sẽ tập trung cải cách hành chính theo hướng không chỉ “cởi trói” cho doanh nghiệp (DN) mà còn cởi trói tư duy phát triển ngành. Theo đó, DN chính là hệ sinh thái cần được vun đắp, xây dựng vì sự phát triển của toàn ngành.

 

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Hôm nay (30/6), Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ xuyên suốt để duy trì tăng trưởng của ngành và thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

6 tháng qua, các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch: Tốc độ tăng trưởng đạt 3,83%; tăng 3,71% về giá trị, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 28,3% với 24,23 tỷ đô la, nông nghiệp xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế, đặc biệt trong những lúc khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dịch COVID-19 tác động lớn đối với các ngành trong nền kinh tế, nhưng riêng ngành nông nghiệp lại chịu thêm những thách thức riêng biệt như tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, mặn xâm nhập, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi…

“Kết quả 6 tháng qua của ngành nông nghiệp là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự tham gia tích cực của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và nông dân, qua đó từng bước xây dựng và tạo được hệ sinh thái trong nông nghiệp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết: “Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài khiến tổng số lượng khách du lịch quốc tế của cả nước giảm 97%, nghĩa là chỉ có khoảng 88.000 lượt khách du lịch đến Việt Nam. Điều này dẫn đến chi tiêu trong nước bị ảnh hưởng. Việc tiêu thụ nông sản tại các đô thị lớn hiện nay rất khó, nhất là ở TPHCM. Về mặt giải pháp, Bộ đã chỉ đạo về thương mại điện tử, tuy nhiên việc này cần có thời gian để làm quen và triển khai lâu dài về sau”.

 

Ông Toản thông tin thêm, thời gian tới đây, thị trường xuất khẩu sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo các Hiệp định thương mại song phương, đa phương. Như vậy, thời gian ưu đãi thuế quan sẽ hết, lúc đó sẽ phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật, vì vậy cần có giải pháp căn cơ về lâu dài trong xuất khẩu nông sản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm ngành nông nghiệp đã trải qua rất nhiều biến động từ sản xuất, thị trường và vấn đề thiên tai. Tuy nhiên, sự phát triển của toàn ngành cho thấy chuyển động rất tích cực của các thành phần kinh tế và thực tế đã mang lại hiệu quả cao.

Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới để phát triển ngành bền vững hơn. Đầu tiên là về quan điểm sản xuất và thị trường, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Cụ thể là phải nhìn vào thực tế việc tăng trưởng ngành theo cách thức giá trị sản xuất thường chỉ dựa trên tăng sản lượng, phải có cách nhìn nhận giá trị chính là “giá” của sản phẩm.

Thực tế ngành nông nghiệp có nhiều sản phẩm tốt để có thể thu được mức giá cao nhưng sự thiếu thông tin kết nối thị trường khiến nông sản dù sản lượng cao vẫn bị ùn ứ cục bộ và dẫn đến hậu quả bị hạ giá rất thấp. "Có tới 4.469 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên nhưng liệu bao nhiêu người dân Việt Nam biết đến”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề.

Từ đó, tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định: “Quan hệ sản xuất và thị trường rất quan trọng với mục tiêu giá trị gia tăng”.

Một tồn tại nữa là công tác cải cách hành chính. Việc Bộ NN&PTNT đang bị xếp thứ hạng 16/17 bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính được Bộ trưởng đưa ra tại Hội nghị: “Chúng ta không nóng vội nhưng cũng phải biết nóng ruột. Cải cách hành chính không chỉ cởi trói cho DN mà còn cởi trói cho cả tư duy của chúng ta. Cái gì cũng có 2 chiều, chúng ta quản lý ngành nông nghiệp có trật tự và công bằng hơn nhưng cũng phải hướng tới cộng đồng DN. Đó chính là chỗ dựa, là hệ sinh thái của chúng ta”.

“Chúng ta không phải là người trực tiếp tạo ra GDP, đó là công sức của cộng đồng DN. Cần làm thế nào để thấy Bộ NN&PTNT là đơn vị cởi mở, để các DN muốn đồng hành với chúng ta”, tư lệnh ngành nông nghiệp nhắc nhở toàn ngành.

Đỗ Hương

343 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 426
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 426
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77970558