Đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu
Mở đầu Phiên chất vấn, nhấn mạnh khoa học có vai trò thúc đẩy và đón trước sản xuất, đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ chế, chính sách giúp các viện, trường tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại hóa và tham gia vào sản xuất?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, thúc đẩy thương mại các kết quả nghiên cứu khoa học là một trọng tâm công tác của mình trong nhiệm kỳ khóa XIV này. Bởi lẽ, trong các báo cáo đánh giá về khoa học, công nghệ có hạn chế xuyên suốt được chỉ ra, đó là “chậm đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống”. Thực tế cho thấy, dù các cấp, các ngành đều quan tâm đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, nhưng vẫn thiếu khâu quan trọng là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.
Khẳng định hiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy đưa khoa học công nghệ vào sản xuất đã được thay đổi, và tập trung rõ nhất tại Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, quá trình triển khai thi hành Luật hiện hành vẫn đang thiếu đi sự quan tâm của doanh nghiệp, cũng như cơ chế, chính sách để hỗ trợ quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, ủng hộ. “Ngay Nghị định 95 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức Bộ Khoa học và Công nghệ, thì không chỉ có nghiên cứu khoa học, mà còn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo (bao gồm cả thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ý tưởng nghiên cứu, để giúp tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, sáng tạo), Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Với sự thay đổi mạnh mẽ như vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt tay với các bộ, ngành để cùng vào cuộc. Ví dụ, để thực hiện chủ trương nuôi tôm theo chuỗi giá trị, phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 10 tỷ USD, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ngay lập tức chỉ đạo các viện nghiên cứu từ giống, kỹ thuật thả nuôi, chế biến phụ phẩm... “Hy vọng với tinh thần này, bước đi đúng hướng và cách làm đã rõ, thì hiệu quả của thả nuôi tôm sẽ thực sự thay đổi”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.
Đề cập đến vai trò của khoa học là lực lượng sản xuất trực tiếp trong việc năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ trưởng cho biết, những giải pháp cơ bản để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của tăng trưởng nền kinh tế đất nước?
Tập trung mọi lực lượng nâng cao năng suất lao động
Dẫn ra chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng là “tinh thần xuyên suốt của các thành viên Chính phủ”, đó là tập trung mọi lực lượng để nâng cao năng suất lao động, vì đây là cơ sở để phát triển bền vững đất nước trong tương lai, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, về năng suất lao động và vai trò của khoa học - công nghệ, chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII và Nghị quyết của QH đã thể hiện rất rõ.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cần tập trung mọi điều kiện từ nội lực, tức là từ các kết quả nghiên cứu phục vụ cho đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, vào 4 nhóm đối tượng.
Một là nhóm doanh nghiệp dẫn dắt công nghệ, tạo điều kiện để có cơ sở để triển khai nghiên cứu công nghệ.
Hai là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải nhanh chóng nhận chuyển giao khoa học công nghệ để ứng dụng.
Ba là nhóm doanh nghiệp chưa tiếp nhận chuyển biến kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Bốn là các doanh nghiệp khởi điểm sáng tạo, hiện số lượng này đang tăng nhanh.
“Đây là những nhóm giải pháp chúng tôi tập trung thực hiện để thúc đẩy khoa học công nghệ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu rõ.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn
Trả lời đại biểu Trần Thị Quốc Khánh về giải pháp của Bộ trong đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh quốc gia, Bộ trưởng khẳng định, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thời gian qua Bộ đã vào cuộc 2 năm nay với tinh thần quyết liệt, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực: Hoàn thiện hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn; phối hợp với các bộ đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành; 100% các thủ tục hành chính đã ứng dụng CNTT ở mức độ cấp 3; về sở hữu trí tuệ, Bộ cũng đã có những chuyển động đáng kể trong thời gian gần đây...
Đại biểu Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi về đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu, khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thừa nhận những hạn chế trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho biết, khoa học xã hội nhân văn thời gian qua đã có những biến chuyển, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và thời gian tới sẽ có những thay đổi. Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường sức đóng góp của khoa học xã hội nhân văn trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Khắc phục tình trạng đề tài "bỏ ngăn kéo"
Trả lời câu hỏi đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) - có hay không tình trạng đề tài nghiên cứu “bỏ ngăn kéo” và giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, nhiều thế hệ nghiên cứu khoa học công nghệ đã trăn trở với tình trạng này, thậm chí nhìn tổng thể có thể thấy đang còn chậm được ứng dụng trên mọi mặt trận.
Dù rằng đặc thù nghiên cứu khoa học thường có độ trễ nhất định, có rủi ro..., nhưng Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là “khắc phục tình trạng đề tài nghiên cứu bỏ ngăn kéo một cách hệ thống”.
Thực tế, bên cạnh kết nối nghiên cứu khoa học với thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu.
Căn cơ phải có chính sách thị trường
Đề cập đến vấn đề thời sự đang là mối quan tâm của cử tri và dư luận - “giải cứu” nông sản, từ giải cứu thanh long, hành, tỏi, dưa hấu và mới nhất là “giải cứu” su hào, củ cải, gắn với kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chuyển câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Thừa nhận thực tế, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu rõ, trước đây, chúng ta chỉ có một Chương trình quốc gia nghiên cứu “giải cứu” nông sản. Vừa rồi, nhận thức được đây là khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất, Bộ đã đặt hàng một số doanh nghiệp hỗ trợ Chương trình quốc gia nghiên cứu “giải cứu” nông sản; và một số nhiệm vụ Nghị định thư với các nước để chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất cho chế biến nông sản. Cùng với đó là tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng được nghiên cứu để phục vụ cho hàng hóa nông sản.
“Đây là những giải pháp được đặt ra rất đồng bộ để giải quyết cho thấu đáo tình trạng giải cứu nông sản”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Giải pháp căn cơ, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, phải có chính sách thị trường và chắc chắn sẽ được thực hiện khi có chuỗi sản xuất. Trước đó, Bộ đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là toàn bộ sản phẩm quốc gia, như trái cây, củ quả…, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ thực hiện chế biến.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu chế biến và chuyển giao công nghệ chế biến. Và ngay trong năm nay sẽ có 8 nhà máy chế biến, tạo thêm cơ hội cho tiêu thụ, xuất khẩu nông sản”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu rõ.
Khởi công và khánh thành 8 nhà máy chế biến rau quả
Tham gia giải trình tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Giờ phút này, có thể khẳng định, nông nghiệp có sức sản xuất lớn trên tất cả các ngành hàng. Tuy nhiên, hai khâu yếu là chế biến và thị trường. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta sẽ đi sâu vào hai mảng đang yếu này; đồng thời sẽ tập trung vào cả thể chế, cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ và tổ chức chỉ đạo.
Cụ thể, năm nay, sẽ khởi công và khánh thành 8 nhà máy chế biến rau quả, để tiếp tục khai thác lợi thế, dư địa của nhóm hàng nông sản rau quả Việt Nam. “Tới đây sẽ khánh thành nhà máy chế biến đầu tiên tại Long An với tổng công suất 200.000 tấn với chuỗi sản phẩm khoảng 20 - 25 sản phẩm; tiếp đến là khánh thành nhà máy ở Tây Ninh, Đồng Tháp, Gia Lai, Sơn La…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, ở từng nhóm ngành hàng sẽ xác định rõ đâu là mũi nhọn nhất để tập trung giải pháp khoa học - công nghệ, giải pháp tổ chức chỉ đạo, đương nhiên, với nền sản xuất 8,6 triệu hộ, không thể chỉ một năm có thể giải quyết hết được.
Nhưng, “lộ trình đang thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội là tái cơ cấu từng ngành, trong đó ngành nông nghiệp đi đúng hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, hướng tới tổng hợp và khắc phục được những tồn tại thời gian trước đây”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Với những nút thắt đại biểu đã nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đã thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ để cùng giải quyết, kể cả công đoạn giống của từng ngành hàng, chế biến thế nào. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng bàn với Bộ Công Thương tìm ra giải pháp chế biến và phát triển thị trường. Đồng thời, các bộ chuyên ngành và các địa phương cũng phải có trách nhiệm cộng hưởng; cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc. Hiện người dân đang tập trung thực hiện đúng lộ trình, bảo đảm mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nói chung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng, sớm đạt hiệu quả như chúng ta mong muốn.
Xây dựng chuỗi xuất khẩu khu vực và toàn cầu
Nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế của đất nước, tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, “đây là giải pháp then chốt”. Và như Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói, chúng ta phải tái cơ cấu trên cơ sở xây dựng chuỗi nông nghiệp xuất khẩu khu vực và toàn cầu, chứ không thể tiếp tục sản xuất khẩu nhỏ, lẻ.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vai trò của khoa học công nghệ còn thể hiện rõ đầu tiên ở nghiên cứu quy hoạch để tổ chức tái cơ cấu nông nghiệp. Quy hoạch này phải dựa trên cơ sở đánh giá về thị trường. Như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, năng lực sản xuất nước ta rất lớn và cơ hội tiếp cận thị trường cũng rất lớn. Nhu cầu thị trường đã có và chúng ta có đủ điều kiện tiếp cận, không phải chỉ con số 36 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm thủy sản năm 2017 mà còn có thể lớn hơn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, “chúng ta cũng đối mặt với hàng rào xuất khẩu và những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt về an toàn thực phẩm, như vậy công nghệ chế biến phải bảo đảm chất lượng sản phẩm”. Việc phối hợp giữa 3 bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ) phải bắt đầu trong mô hình chuỗi, đi từ mô hình tổ chức sản xuất và quy hoạch thị trường…
Tiếp đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời các đại biểu: Mai Sĩ Diến, Trương Minh Hoàng, Đoàn Thị Thanh Mai, Nguyễn Trường Giang, Hoàng Đức Thắng, Nguyễn Thị Kim Thúy, Lê Thị Nga, Ma Thị Thúy, Nguyễn Bá Sơn, Trần Thị Hằng, Đinh Duy Vượt, Triệu Thế Hùng,... về các nội dung: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; giải pháp ứng dụng KHCN trong ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL; hiện trạng, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao (Hòa Lạc, TPHCM, Đà Nẵng); giải pháp khắc phục tình trạng trùng lặp trong giao nhiệm vụ khoa học, công nghệ, gây lãng phí; giải pháp khắc phục tình trạng công trình nghiên cứu "bỏ ngăn kéo"; ngân sách cho lĩnh vực khoa học, công nghệ; thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng xin cho, thiếu khách quan trong phân bổ, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học; cơ chế, chính sách thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ; kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách, giải pháp tạo điều kiện phát huy đam mê sáng tạo, sáng chế của người nông dân đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; giải pháp bảo tồn, khai thác, phát triển các nguồn gen quý của đất nước; giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu khoa học công nghệ trong giai đoạn đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo hiện nay;...
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, trong phiên chiều nay 30 đại biểu đã trực tiếp hỏi và được Bộ trưởng trả lời trực tiếp tại hội trường; 16 đại biểu đã đăng ký, tuy nhiên do thời gian có hạn, chưa được hỏi tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
|
UBTVQH đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị của Bộ trưởng
Qua phiên chất vấn lần này, nhờ cải tiến, đổi mới về cách thức tiến hành, nên hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra thẳng thắn, chân thành. Có 3 Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn với Bộ trưởng Chu Ngọc Anh. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu, ghi nhận và xác định trách nhiệm của Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành với lĩnh vực khoa học công nghệ.
Nhìn chung phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, với tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã tập trung trả lời các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ, nhận rõ trách nhiệm có liên quan đối với những vấn đề còn bất cập, còn hạn chế, xác định một số giải pháp khắc phục thuộc phạm vi phụ trách, có nội dung đột phá để giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
UBTVQH nhận thấy, đây là một trong những bước đi cải tiến trong thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. UBTVQH đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, sự phối hợp tích cực, có trách nhiệm của các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ có liên quan trong việc trả lời đầy đủ, thẳng thắn, làm rõ nhiều vấn đề về những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. UBTVQH cũng ghi nhận quyết tâm chính trị và lời hứa về những giải pháp mà Bộ trưởng và các lãnh đạo Chính phủ đã cam kết trước phiên họp này.
Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, thời gian qua trong lĩnh vực này chúng ta đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Đáng chú ý, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ khoa học cả nước, lĩnh vực khoa học công nghệ đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ cán bộ khoa học luôn vươn lên, tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo, nên tiềm lực và trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam đang từng bước được nâng cao; năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp được tăng cường.
Ở một số lĩnh vực khoa học công nghệ có thế mạnh, Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn lên xếp thứ hạng cao trong khu vực và thế giới. Công tác quản lý cũng đã có nhiều đổi mới, bắt kịp xu thế, chú trọng hơn tới hiệu quả ứng dụng và đã thực hiện từng bước thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong thực tiễn, để khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng.
Hoàn thiện hàng lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn các tồn tại, hạn chế và thách thức như Bộ trưởng đã nêu và nhận trách nhiệm, cần có quyết tâm cao hơn nữa, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm và đề nghị, đối với lĩnh vực khoa học, trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hàng lang pháp lý, tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phải chú ý đồng bộ cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chú ý phát triển đa dạng sinh học ở Việt Nam - là quốc gia có nguồn gen, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng. Chú ý kể cả các quy định về kiểm soát nhập khẩu công nghệ, kiểm soát thiết bị dây chuyền đã qua sử dụng, cụ thể là chú ý bảo đảm quy chuẩn về môi trường.
Thứ hai, tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học có chất lượng, đào tạo đội ngũ nghiên cứu gắn trường với viện và cơ sở khoa học có công nghệ cao; thực hiện có hiệu quả chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, thu hút trí thức là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Thứ ba, bảo đảm tăng chi từ ngân sách nhà nước hàng năm, đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực tài chính của doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, để nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, tăng cường thông tin kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp; phát huy vai trò của doanh nghiệp đối với phát triển khoa học công nghệ.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, văn hóa sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục cải thiện chỉ số đổi mới, sáng tạo của Việt Nam.
Đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các cơ quan có liên quan sẽ tăng cường quan tâm đến công tác phối hợp để thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao chất lượng điều hành, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đề nghị các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát nội dung này trong quá trình hoạch định, thực hiện các chính sách này của quốc gia.
Tiếp tục đổi mới chất vấn, trả lời chất vấn
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với tinh thần không ngừng đổi mới, UBTVQH đã thực hiện thí điểm một số cải tiến về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 này. Qua đó, đã tạo sự tương tác nhiều hơn, sự đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề được chất vấn; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đó là nhiều đại biểu Quốc hội được chất vấn, cách chất vấn ngắn gọn, không trùng ý. Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề, không mất thời giờ ghi chép câu hỏi và khi trả lời không bỏ sót câu hỏi.
Thí điểm này sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm và là căn cứ báo cáo Quốc hội cho tiếp tục đổi mới chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm tới.
Để có cơ sở triển khai các giải pháp đã cam kết và báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm gửi Thông báo kết luận của UBTVQH về chất vấn đến các cơ quan hữu quan. Đồng thời, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, và tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề cần thiết trong các lĩnh vực thuộc trách nhiệm phụ trách để kịp thời có giải pháp xử lý vấn đề bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của cử tri, nhân dân cả nước, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
|
Thành phần tham dự phiên họp chất vấn gồm: Thành viên UBTVQH; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội (toàn bộ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương); đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương; lãnh đạo các cơ quan thuộc UBTVQH; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Đại diện lãnh đạo: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về nhóm vấn đề: Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động. Ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).
Từ 16h45 đến 17h00, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo Kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của UBTVQH, việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề. Người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn.
Đặc biệt, UBTVQH sẽ thực hiện thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Theo đó, Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần. Người trả lời chất vấn trả lời ngay câu hỏi của Đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 3 phút/lần.
Trường hợp Đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận. Thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên./.