Giải trình tại UBTVQH xung quanh trạm soát vé Cai Lậy, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng nếu nói đây là trạm thu phí cho tuyến tránh Cai Lậy là chưa đầy đủ. Thực tế, đây là dự án hơn 26 km trên QL 1A và 12 km tuyến tránh. Trên QL 1 còn xử lý 14 cây cầu.
“Để làm tuyến đường tránh, bao giờ cũng xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của địa phương muốn có 1 tuyến tránh để giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, đồng thời có cơ hội mở rộng khu vực đô thị hiện có”, Bộ trưởng nói.
“Bộ GTVT và địa phương lập dự án, trong quá trình làm lấy đầy đủ các ý kiến từ HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội, hiệp hội vận tải, người dân địa phương. Hiện nay khi xảy ra sự việc, dư luận chỉ nghĩ đến nhà đầu tư, thực sự tôi đề nghị có cái nhìn công bằng hơn, trách nhiệm trước hết phải là địa phương và Bộ GTVT”, ông Trương Quang Nghĩa nói.
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, một trong các lý do các dự án BOT có thể triển khai được trong ngành giao thông, ngoài nỗ lực của ngành, còn là quyết tâm, sự vào cuộc tích cực của chính quyền, sự hưởng ứng của người dân địa phương.
Tại trạm thu phí Cai Lậy những ngày vừa qua, thực sự nhân dân tại chỗ, các DN, hiệp hội vận tải trên địa bàn không có phản ứng gì. Chỉ có 7 DN ở nơi khác phản ứng. Nhưng cách thức phản ứng của DN như vậy là không phù hợp, DN cố tình gây ùn tắc giao thông.
“Việc xả trạm là thực hiện theo quy định, bởi khi ùn tắc kéo dài trong một thời gian nhất định, các trạm sẽ phải mở để đảm bảo việc đi lại của người dân”, Bộ trưởng nói.
Về giải pháp trước mắt, Bộ trưởng cho biết các cơ quan của Bộ GTVT đã làm việc với địa phương và chủ đầu tư. Việc đề xuất giảm phí từ 35.000 đồng hiện nay xuống 25.000 đồng là có thể thực hiện được, tuy nhiên như thế thì thời gian thu phí sẽ kéo dài hơn, bởi tổng mức đầu tư của công trình đã được kiểm toán xác định là như vậy, nếu thu ít đi thì phải tăng thời gian để đảm bảo hoàn vốn và một tỉ lệ lợi nhuận nhất định cho DN.
Thảo luận chiều 15/8, ý kiến một số đại biểu nhấn mạnh bản chất của hình thức BOT là hợp đồng ký kết giữa các bên, do đó tất cả các bên ký kết đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ phải tuân thủ các nội dung đã cam kết. DN phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, quá trình vận hành, khai thác; trong khi đó chủ đầu tư (Bộ, địa phương) cũng có trách nhiệm phải đảm bảo việc thu hồi vốn cho DN dựa trên các nội dung đã ký kết.
“Đây cũng là hướng giải quyết theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Sắp tới sẽ cho rà soát lại tổng thể, với các dự án có thể giảm phí sẽ điều chỉnh giảm, chấp nhận kéo dài thêm thời gian thu”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giải thích.
Điều này cũng đúng theo Nghị quyết, tinh thần, chủ trương của Chính phủ.
“Riêng về dự án Cai Lậy, sau chiều nay (15/8), các đề xuất của địa phương và nhân dân sẽ giải quyết được”, ông Nghĩa khẳng định.
Bộ trưởng GTVT cho biết đã yêu cầu tất cả các địa phương, các nhà đầu tư có dự án BOT có báo cáo để tổng hợp, có chính sách chung giải quyết tổng thể, đồng bộ, không để có sự khác biệt giữa nơi người dân phản ứng với nơi không phản ứng.
Về dài hạn, Bộ GTVT yêu cầu các dự án BOT chỉ định thầu phải được quyết toán, kiểm toán rồi mới dựa trên cơ sở đó để quyết định thời gian thu phí. Đối với các dự án đấu thầu, sẽ dựa trên cơ sở thiết kế kỹ thuật để tính toán giá trị, từ đó mới tiến hành đấu thầu.
Xuân Tuyến