Trước chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) về nguyên nhân của sự chậm trễ gói cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa thừa nhận gói đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ trải qua rất nhiều thăng trầm, được khởi công từ năm 2010 nhưng cho đến năm vừa rồi, do có những khó khăn và có những vấn đề chưa hợp lý nên Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu kiểm tra, làm lại.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa. (Ảnh: TH).
Ví dụ, đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong giai đoạn trước chỉ làm quy mô 13 mét, trong khi đó Sài Gòn - Trung Lương là 17 mét, Mỹ Thuận - Cần Thơ là 17 mét, lại có một nút thắt ở chỗ này, do đó đã phải điều chỉnh lại.
Thêm vào đó, phải thu xếp sau khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương về trần cho vay của các ngân hàng thương mại. Đến nay, cơ bản đã được Chính phủ đồng thuận với quy mô điều chỉnh Trung Lương - Mỹ Thuận là 17 mét để có quy mô chung từ Sài Gòn đến Cần Thơ. Ngân hàng Công thương Việt Nam đang đàm phán thu xếp vốn.
“Chúng tôi hy vọng cuối quý II đàm phán xong. Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ nằm trong gói đường cao tốc Bắc - Nam sắp tới sẽ được triển khai. Dự án đó đang trong giai đoạn được phê duyệt”, Bộ trưởng cho hay.
Đề cập đến ý kiến của Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) dẫn các số liệu để thấy rằng suất đầu tư cho mỗi km đường cao tốc ở Việt Nam là quá cao, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ hết sức quan tâm tới suất đầu tư giao thông của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cùng với Bộ Xây dựng đang tổng hợp báo cáo đánh giá suất đầu tư dựa trên tiêu chuẩn Quy định 1161 ngày 11/10/2015 của Bộ Xây dựng.
“Suất đầu tư nếu như chúng ta quy ra đường 6 làn xe khoảng 200 tỷ đồng/km (tương đương 9 triệu đô la), chưa tính đến giải phóng mặt bằng. Đối với đặc điểm ở Việt Nam thì có một số khu vực có những mức giá rất khác nhau, như khu vực miền núi trung du phía Bắc, miền Trung, Nam bộ. Khu vực đồng bằng Bắc bộ và khu vực Nam bộ qua tổng hợp báo cáo của Bộ Xây dựng thì có dải từ 7,4 triệu đô la/km của miền trung du phía Bắc cho đến 17,2 triệu đô la đối với khu vực Tây Nam bộ, Nam bộ”, Bộ trưởng thông tin.
Lý giải cho mức giá khác nhau, Bộ trưởng cho hay bởi trong đầu tư thì giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt nhất là địa chất và nguồn vật liệu.
Cụ thể, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thông tin thêm: Đối với đường cao tốc 6 làn xe, tiêu chuẩn quy mô đường thì ở Đức khoảng 10,9 triệu đô la/km, ở Bồ Đào Nha khoảng 12,1; Hunggary khoảng 13,3; Áo là 16,7; ở Mỹ từ 12,8 đến 40,8; ở Trung Quốc khoảng từ 10,5 đến 13,6 và trong Đề án đường cao tốc Bắc - Nam vừa rồi chúng tôi làm dự kiến khoảng 9,5 triệu đô la./.
Thu Hằng