|
Dịp tết Nguyên đán 2019 các hãng hàng không sẽ tăng tải thêm 5.800 chuyến bay để phục vụ hành khách. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Tăng tải 5.800 chuyến bay dịp Tết Nguyên đán
Báo cáo tại cuộc họp về đảm bảo an toàn an ninh hàng không chiều 5/12, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp tới, để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, dự kiến các hãng hàng không sẽ tăng 5.800 chuyến. Trong đó, Vietnam Airlines tăng 2.000 chuyến, Vietjet tăng 3.500 chuyến, Jetstar tăng 300 chuyến. Tổng số ghế cung ứng dịp Tết sẽ tăng thêm 1,2 triệu ghế.
Đặc biêt, 30% các chuyến bay tăng sẽ tập trung trên trục Hà Nội - TPHCM. 70% chuyến bay tăng ở các tuyến khác, về các sân bay địa phương.
Trước kế hoạch trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng không làm rõ các nội dung: “Cục Hàng không đồng ý cho các hãng hàng không tăng cả nghìn chuyến bay. Vậy công tác điều hành ra sao? Nguồn nhân lực (bao gồm cả phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu…) chuẩn bị như thế nào? Nhất là trong bối cảnh thời gian vừa qua tình hình an ninh tại các sân bay tương đối phức tạp”.
Nêu lại vụ côn đồ hành hung nhân viên tại sân bay Thọ Xuân vừa qua, Bộ trưởng nhận định: Chất lượng lực lượng an ninh hàng không ở các sân bay không đồng đều. Tại các sân bay lớn, nhân viên được đào tạo tốt, kiểm tra giám sát chặt chẽ trong khi ở sân bay nhỏ, sân bay địa phương, chất lượng kém hơn.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Đinh Việt Thắng thừa nhận: Yếu tố con người tiếp tục là một trong những rủi ro uy hiếp an toàn hàng không. 2 sự cố nghiêm trọng và 6 sự cố uy hiếp an toàn mức cao trong 11 tháng vừa qua xảy ra đều liên quan đến nhân viên hàng không.
Về phía Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng giám đốc Vũ Thế Phiệt cho biết, ACV đã nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm về sự việc xảy ra ở Thọ Xuân, kỷ luật từ giám đốc sân bay trở xuống.
“Tuy nhiên, tại một số sân bay địa phương, dù chất lượng nhân viên an ninh không phải quá kém, song phản ứng chưa nhanh, hành xử chưa thực sự chuyên nghiệp. Chưa kể đến việc nhân viên an ninh tại các sân bay địa phương còn phải thực hiện cả nhiệm vụ cứu hỏa, nhiệm vụ khẩn nguy…khi có sự cố”, ông Vũ Thế Phiệt nói.
Ông Vũ Thế Phiệt cho biết, ACV đang đầu tư kinh phí rất lớn vào công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Cụ thể, ngay trong tháng 1/2019, ACV sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống camera, hàng rào an ninh tại 21 cảng hàng không, tuyển thêm nhân sự, đào tạo và đào tạo lại để nâng cao chất lượng an ninh tại sân bay.
“Trong năm 2019, ACV sẽ cho lắp đặt lắp đặt hệ thống máy quét toàn thân (body scaner) tại các sân bay nhằm phát hiện các vật phẩm khả nghi che dấu trong trang phục của hành khách. Đồng thời, “phủ kín” camera từ khu bay đến khu nhà ga”, ông Vũ Thế Phiệt khẳng định.
Tăng cường an ninh, chấn chỉnh con người, kiểm tra đột xuất
Người đứng đầu ngành giao thông nhận định, bất kỳ sự cố nào liên quan đến an ninh, an toàn hàng không đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín quốc gia, thậm chí “chỉ cần một sự cố nhỏ là cả thế giới biết về sân bay Việt Nam như thế nào”.
“Dứt khoát an ninh hàng không phải được ưu tiên hàng đầu, nhất là trong thời điểm cuối năm. Yêu cầu Cục Hàng không phải chỉ đạo các đơn vị, huy động lực lượng an ninh hàng không phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sự cố không mong muốn.
Chất lượng phi công, tổ bay, quản lý bay phải kiểm tra kỹ lưỡng, kể cả kiểm tra đột xuất. Công tác kiểm soát hàng hóa qua cửa an ninh phải tăng cường, đặc biệt là đội ngũ nhân viên soi chiếu. Cục Hàng không cần lưu ý hơn tại các sân bay địa phương vì đây là nơi máy móc, thiết bị không chuyên nghiệp bằng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và các cảng vụ hàng không thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2019.
Thực hiện điều phối giờ hạ cất cánh giai đoạn cao điểm Tết 2019 theo giới hạn khai thác của các cảng hàng không, đáp ứng tối đa nhu cầu khai thác của các hãng hàng không; chỉ đạo các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, tiếp nhận và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về an ninh, an toàn, khai thác, chất lượng dịch vụ.
Cục Hàng không tổ chức giám sát chặt chẽ các quy trình, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; các phương án, kế hoạch bố trí, sắp xếp nhân sự phục vụ các chuyến bay tăng chuyến (kể cả các chuyến bay bị chậm chuyến và các chuyến bay phải hạ cánh tại sân bay dự bị nếu có) trong thời gian cao điểm và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh giữa các cơ quan, đơn vị.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không phải trực tiếp nhận và giải thích các ý kiến hay khiếu nại của người dân qua đường dây nóng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.
Với các hãng hàng không, Bộ trưởng yêu cầu các tổ chức bảo dưỡng - sửa chữa cần rà soát, bố trí hợp lý nguồn lực (nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị…) tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa thời gian dừng tàu do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay; yêu cầu người lái tàu bay, tiếp viên hàng không tuân thủ nghiêm các quy trình khai thác tiêu chuẩn.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường khả năng phục vụ hành khách, tàu bay trên cơ sở nguồn lực của các cảng hàng không, sân bay và kế hoạch khai thác tăng chuyến của các hãng hàng không; triển khai nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban nghiệp vụ, trực điều hành; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Đồng thời, ACV phải xây dựng kế hoạch phục vụ tăng cường một số biện pháp kiểm soát an ninh, an toàn hàng không dịp Tết; tăng cường giám sát bằng tuần tra theo tần suất ngẫu nhiên và qua hệ thống camera giám sát các khu vực công cộng của cảng hàng không có nguy cơ an ninh hàng không như: Khu vực làm thủ tục hàng không, khu vực chờ làm thủ tục kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không, khu vực bãi đỗ ô tô (bến bãi taxi); khu vực nhà để xe máy….
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam quán triệt kiểm soát viên không lưu tăng cường quan sát, theo dõi chặt chẽ tàu bay tiếp cận hạ cánh, chạy xả đà, lấy đà, cất cánh để kịp thời thông báo cho tổ lái khi phát hiện các bất thường; thực hiện rà soát, trên cơ sở số liệu thống kê thời gian chiếm giữ đường cất hạ cánh nhằm điều hành tàu bay với thời gian chiếm giữ đường cất hạ cánh tối thiểu, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…
Phan Trang